Hạ tầng KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) từng bước hoàn thiện thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Minh Đức
Trong phát triển công nghiệp, Quảng Ninh đầu tư mạnh cho hạ tầng điện, hạ tầng KKT, KCN. Toàn tỉnh hiện có 8 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 5.643,6MW. Qua đó, hằng năm phát lên hệ thống lưới điện quốc gia 35-38 tỷ KWh điện, đóng góp cho NSNN trên 1.000 tỷ đồng.
Hiện tỉnh đang triển khai dự án điện khí LNG công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại TP Cẩm Phả, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026-2027; đồng thời, tỉnh đang đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn cũng đã được đầu tư bài bản. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã phát động đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, triển khai thực hiện các dự án cấp điện lưới cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), dự án cấp điện nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Ninh… Tỉnh còn là địa phương đi đầu trong việc phát triển hệ thống điện đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% số hộ trên địa bàn có điện.
Cùng với đó, hạ tầng KCN, KKT cũng được chú trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KKT (KKT Hoành Mô – Đồng Văn; KKT Bắc Phong Sinh; KKT ven biển Vân Đồn; KKT cửa khẩu Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên) và 16 KCN đang hoạt động, hoặc đang nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Nhờ đầu tư bài bản, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững hơn, quy mô tăng nhanh, đến năm 2021 đạt 125.995 tỷ đồng.
Lao động làm việc tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông, khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển trên địa bàn. Tỉnh đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, đặc sắc, hiện đại, cao cấp, như: Khu du lịch quốc tế – sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại dương Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (TP Cẩm Phả)…
Cơ sở vật chất du lịch của Quảng Ninh có sự phát triển, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.133 cơ sở lưu trú du lịch với 38.633 buồng; trong đó 1.639 cơ sở với 32.590 buồng đã xếp hạng; có 27 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 24 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 12/13 địa phương được công nhận khu, điểm du lịch… 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh đón khoảng 5,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Go Hạ Long
Tỉnh cũng huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân. Mô hình trung tâm thương mại, siêu thị đang ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô theo hướng hiện đại. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 133 chợ, 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 88 cửa hàng tiện ích, 26 điểm bán hàng và giới thiệu OCOP; 5 trạm chiết nạp và 534 cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng, 5 thương nhân đầu mối với 8 thương nhân phân phối cùng 115 doanh nghiệp và 220 cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
Không chỉ đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại, với lượng dân số vùng nông thôn khá đông đảo trên địa bàn, tỉnh còn quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 3.331,16km đường giao thông từ tỉnh đến xã, 32 cầu các loại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, giúp người dân thuận lợi trong việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, tất cả các xã, thôn trên địa bàn tỉnh đều có đường nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa.
Quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC Hạ Long là một trrong các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Khánh Giang
Tỉnh còn đầu tư mạnh vào hệ thống thủy lợi giúp bà con thuận lợi trong tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 180 hồ chứa nước, 442 đập dâng lớn, vừa và nhỏ; 3.243km kênh mương các loại cùng với hệ thống sông suối, ao hồ nhỏ để cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2021 đạt 52,6 triệu đồng/người.
Nhờ sự đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của Vùng và cả nước. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng); 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,66%; GRDP bình quân năm 2021 đạt 176,32 triệu đồng/người. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 28,821 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 là 0,26%.
Theo Báo Quảng Ninh