FLC làm giá chứng khoán: Trách nhiệm cơ quan quản lý như thế nào?

FLC làm giá chứng khoán: Trách nhiệm cơ quan quản lý như thế nào? - Ảnh 1.

FLC làm giá chứng khoán: Trách nhiệm cơ quan quản lý như thế nào? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án FLC. Ảnh VGP/Quang Thương

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, báo chí nêu vấn đề: Việc làm giá trên thị trường chứng khoán của FLC đã gây hệ lụy lớn. Vậy trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, như thế nào? Cần làm gì để tránh sai phạm tương tự? Quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng như thế nào khi 2 cổ phiếu FLC và ROS bị hủy giao dịch? Cần điều kiện gì để 2 cổ phiếu này được giao dịch trở lại?

Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với Bộ Công an trong quá trình điều tra vụ án FLC

Chia sẻ thông tin liên quan đến các vấn đề báo chí quan tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ:

“Thứ nhất, về việc cơ quan điều tra khởi tố bổ sung với tội làm giá thao túng, lừa đảo của lãnh đạo FLC trên thị trường chứng khoán thì trách nhiệm các cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực này sẽ như thế nào? Xin nói rằng có thể câu trả lời của tôi chưa thỏa mãn vì trước cuộc họp báo này, tôi cũng đã tham khảo ý kiến lãnh đạo Bộ Công an.

Theo đó, các đồng chí Bộ Công an cũng nói rằng những công việc đang trong quá trình điều tra của vụ án thì để cho cơ quan công an tiến hành điều tra và khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai, lúc đó sẽ rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, kể cả những tập thể và cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước.

Chúng tôi khẳng định Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án”.

Cần làm gì để ngăn ngừa những hiện tượng tương tự FLC?

Nội dung thứ hai, cần làm gì để phòng ngừa hiện lừa đảo hoặc hiện tượng tương tự như vậy trên thị trường chứng khoán?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Ngày hôm qua (5/9), Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02 chỉ đạo một loạt giải pháp cụ thể để phòng ngừa và chấn chỉnh việc này trên thị trường chứng khoán, bao gồm từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký, niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, đến giám sát các thành viên của thị trường và giám sát các giao dịch chứng khoán…

Chỉ thị hiện đã được đăng công khai trên website của Bộ Tài chính, mời các đồng chí vào đọc để nắm được cụ thể các nội dung này.

Điều kiện nào để cổ phiếu ROS và FLC giao dịch trở lại?

Nội dung thứ ba là điều kiện nào để các cổ phiếu ROS và FLC giao dịch trở lại? Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Những cổ phiếu này, doanh nghiệp này vi phạm dẫn đến không đủ điều kiện để niêm yết giao dịch nữa, phải hủy giao dịch và hạn chế giao dịch, phong tỏa… thì khi nào những doanh nghiệp này khắc phục được những sai phạm thì được quay trở lại.

Nếu có nguyện vọng thì sẽ được xem xét quay trở lại niêm yết giao dịch theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với cổ phiếu của FLC, cần phải có báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022 theo quy định và phải tổ chức đại hội cổ đông theo quy định.

Đối với cổ phiếu ROS, vì không có báo cáo kiểm toán và không tổ chức đại hội cổ đông nên bị hủy niêm yết. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được những vi phạm này và doanh nghiệp có nguyện vọng đăng ký trở lại thì Sở Giao dịch chứng khoán cũng như Ủy ban Chứng khoán sẽ chấp nhận.

Các cổ đông phải có trách nhiệm đối với doanh nghiệp

Về việc quyền lợi nhà đầu tư ảnh hưởng thế nào? Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Khi cổ phiếu bị hủy giao dịch thì nhà đầu tư đương nhiên bị ảnh hưởng vì không được buôn bán trên thị trường nữa nên sẽ khó khăn.

Nhưng với trách nhiệm là người sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, là cổ đông của doanh nghiệp thì các nhà đầu tư phải có ý kiến, phải có những quyết sách tại đại hội cổ đông của doanh nghiệp, yêu cầu Ban điều hành doanh nghiệp khắc phục các thiếu sót, vi phạm đó sớm nhất để đưa các cổ phiếu này niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường.

Như vậy quyền lợi của các cổ đông và các nhà đầu tư lại được đảm bảo.

FLC làm giá chứng khoán: Trách nhiệm cơ quan quản lý như thế nào? - Ảnh 2.

Trung tướng Tô Ân Xô: Với cơ quan điều tra, quá trình tố tụng dựa theo thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm. Ảnh VGP/Quang Thương

Quá trình tố tụng dựa theo thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm

‘Chia lửa’ với đồng chí Nguyễn Đức Chi một chút về trách nhiệm liên quan đến FLC Faros, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Như tôi đã từng nói với các phóng viên, với cơ quan điều tra, quá trình tố tụng dựa theo thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm.

Do đó khi một tổ chức hay một cá nhân vi phạm pháp luật, thì không thể suy diễn là có một cá nhân hay tổ chức nào đó cũng phải xử lý vì liên quan, vì cũng vi phạm pháp luật, cũng cần xử lý, truy cứu.

Nếu bạn phóng viên nào có chứng cứ về cá nhân có liên quan giúp sức cho nhóm FLC vừa bị khởi tố về tội chiếm đoạt tài sản, nâng khống vốn điều lệ thì các bạn thông tin với cơ quan điều tra để xử lý nhanh.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo