Thay “áo mới” cho khu công nghiệp, khu chế xuất

Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: IPC)
Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: IPC)
Trong đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040”, Thành phố Hồ Chí Minh muốn chuyển đổi, cơ cấu lại từng khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích 4.000ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Sau 30 năm vận hành và phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Chi phí sử dụng đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, diện tích đất dành cho công nghiệp hạn chế, nhiều ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các khu chế xuất, khu công nghiệp và các địa phương còn hạn chế; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển… Đơn cử như tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, có diện tích 300ha, là khu chế xuất được thành lập đầu tiên của cả nước. Ngoài vai trò là mô hình công nghiệp kiểu mẫu, Khu chế xuất Tân Thuận còn giữ vị trí quan trọng của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2021, khu chế xuất thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, đang tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành, sau 30 năm hoạt động, công năng sử dụng của Khu chế xuất Tân Thuận không còn phù hợp định hướng phát triển của quận 7, nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng quy mô diện tích, vị trí và gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, khu chế xuất có gần 70% số doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống. 195ha đất tại đây được dùng để xây nhà máy, kho. Khu chế xuất sẽ hết hạn thuê đất vào ngày 23/9/2041 nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tương tự, hiện nay Khu công nghiệp Cát Lái (thành phố Thủ Đức), chủ yếu thu hút doanh nghiệp trong nước với các ngành truyền thống, hiệu quả chưa cao, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với Khu công nghiệp Bình Chiểu (thành phố Thủ Đức) mới có tỷ lệ lấp đầy hơn 50% diện tích, nhưng đã sắp hết thời hạn thuê đất nên doanh nghiệp cũng không mặn mà. Các khu công nghiệp như Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Phú Trung (huyện Củ Chi) lại có nhiều ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên cần nhanh chóng chuyển đổi.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn. Việc chuyển đổi nhằm mục đích cấu trúc lại để các khu công nghiệp, khu chế xuất phát huy được những lợi thế của thành phố về nguồn nhân lực và vị trí trung tâm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các chuyên gia để chuyển đổi Khu chế xuất Linh Trung 1 và Linh Trung 2 nhằm thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghệ cao, giảm dần các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày. Khu chế xuất Tân Thuận cũng đang được lấy ý kiến để có thể thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại. Khu vực này sẽ kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) thành một quần thể, tạo điểm nhấn đối xứng hai bên sông Sài Gòn.

Đối với Khu công nghiệp Bình Chiểu, hiện có hơn 50% diện tích đã và sắp hết thời hạn thuê đất, đơn vị xây dựng hạ tầng sẽ xây dựng nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao. Sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2048, khu công nghiệp này sẽ phát triển theo hướng dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế… hoặc chuyển thành khu đô thị, do diện tích khu công nghiệp nhỏ và nằm trong khu dân cư. Ở khu vực tây bắc, với các khu công nghiệp Tân Phú Trung, Đông Nam, Cơ khí ô-tô, tây bắc Củ Chi, Tân Thới Hiệp, trước mắt, thành phố khuyến khích doanh nghiệp hiện hữu đổi mới công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường…

Theo các chuyên gia kinh tế, dù thành phố muốn chuyển đổi khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình nào thì cũng cần có lộ trình và chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, việc cấu trúc lại cũng phải hướng tới mô hình khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0 và công nghệ, vật liệu mới. Khi đó, thành phố sẽ giải quyết được tình trạng thâm dụng lao động, đồng thời, thành phố sẽ thực hiện được vai trò là đầu mối xuất khẩu và là nơi chuyển giao công nghệ cho các khu công nghiệp ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo