Đồng Tháp tăng cường đầu tư phát triển du lịch

Cánh đồng sen tuyệt đẹp ở Đồng Tháp
Cánh đồng sen tuyệt đẹp ở Đồng Tháp

Cánh đồng sen tuyệt đẹp ở Đồng Tháp

Xác định du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân… đã góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phục hồi nhanh chóng. 

Kết quả ấn tượng

Với phương châm khôi phục ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tỉnh Đồng Tháp đưa ra chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu vui chơi, giải trí, trải nghiệm đối với du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến vùng đất sen hồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp chủ động phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch như: Lễ hội Vía bà Chúa Xứ (huyện Tháp Mười) thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử của quần thể di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp; kỷ niệm 30 năm Khu di tích Xẻo Quýt được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia và khánh thành dự án hạ tầng du lịch Xẻo Quýt (giai đoạn 2); hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Tây Nam bộ; diễn đàn kết nối du lịch TPHCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 2; ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Đồng Tháp và An Giang giai đoạn 2022-2025; diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2022… Đặc biệt là tổ chức thành công chuỗi hoạt động Lễ hội sen Đồng Tháp lần 1 chủ đề “Sen ngày mới”, đã thu hút trên 100.000 lượt du khách đến tham quan, mua sắm… doanh thu ước đạt trên 60 tỷ đồng.

Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết, TP Cao Lãnh phối hợp UBND huyện Cao Lãnh vừa tổ chức thành công Lễ hội xoài năm 2022. Qua sự kiện này đã góp phần quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh đến với du khách xa gần; là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu cho xoài Cao Lãnh.

Cùng với việc tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện, các ngành chức năng ở Đồng Tháp và các huyện, thành phố… cũng đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới, mở điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, các dịp lễ lớn. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp Đồng Tháp thu hút lượng du khách khá đông. 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Đồng Tháp đã thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 78,57% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng 124,7% so với cùng kỳ…

Nhiều cơ chế hỗ trợ du lịch

 Kết quả đạt được khả quan, tuy nhiên UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục yêu cầu các ngành chức năng, các huyện, thành phố… tiếp tục dồn sức cho lĩnh vực du lịch nhằm hoàn thành các chỉ tiêu trong năm đề ra. 

Về lâu dài, để du lịch phát triển bền vững, có chiều sâu, HĐND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Đồng Tháp hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển điểm du lịch tham quan vườn hoa kiểng, cánh đồng sen, vườn cây ăn trái, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất làng nghề, làng nghề truyền thống… mức hỗ trợ 300 triệu đồng/điểm. Hỗ trợ đầu tư du lịch homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân) chất lượng cao, farmstay (khách lưu trú, trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa tại trang trại), trải nghiệm nông nghiệp chất lượng cao, mức 100-300 triệu đồng/cơ sở.

Với loại hình khách sạn, khu nghỉ dưỡng phức hợp 3 sao được hỗ trợ 40 triệu đồng/phòng ngủ, tối đa 4 tỷ đồng/cơ sở. Đối với khách sạn, khu nghỉ dưỡng phức hợp đạt 4 sao trở lên được hỗ trợ 50 triệu đồng/phòng ngủ, tối đa 10 tỷ đồng/cơ sở… Tỉnh cũng xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng phức hợp 3 sao, 4 sao và 5 sao; bến tàu du lịch; đầu tư phương tiện vận chuyển khách du lịch đường thủy và đường bộ; khu phố ẩm thực, mua sắm, khu vui chơi giải trí mô hình kinh tế đêm…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, các tổ chức có tham gia đầu tư xây dựng, phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ theo nghị quyết này, còn được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành; được đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh; được đại diện ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch cấp quốc gia và nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu, hình ảnh; được hỗ trợ miễn phí đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch hàng năm của tỉnh.

Theo SGGP

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo