Sau đại dịch Covid-19, dữ liệu trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp “hồi sinh” tăng kỷ lục nhưng ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động cũng rất đáng lo ngại.
Những khó khăn về tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa một lần nữa xuất hiện đậm nét trong báo cáo tháng 8 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Khu vực tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 98% lực lượng doanh nghiệp cả nước, nên những khó khăn của khu vực này cũng là khó khăn chung mà cộng đồng sản xuất, kinh doanh đang phải đương đầu.
Đối mặt nguy cơ phá sản
Kinh tế tư nhân đang có những dấu hiệu phục hồi khi số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh từ đầu năm đến nay với tốc độ quý sau tăng nhanh hơn quý trước.
Thế nhưng, thông tin cập nhật của Ban IV từ phản ánh của các tổ chức, hiệp hội cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn rất lớn về tài chính. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải bảo đảm chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do tăng mạnh tỷ giá, chi phí logistics kéo theo sự tăng giá của nguyên liệu nhập khẩu và hàng loạt mặt hàng. Trong khi đó, đơn hàng sụt giảm cả về số lượng và lợi nhuận do sự thắt chặt của điều kiện tài chính cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,…
Vấn đề đáng lo ngại hơn cả là tình trạng khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Ban IV cho biết, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với khó khăn này vì tài sản bảo đảm thấp, các ngân hàng không ưu tiên cho vay.
Trong khi đó, dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định nên cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khiến các ngân hàng thương mại không còn hạn mức tín dụng để cho doanh nghiệp vay vốn.
Từ thực trạng này, Ban IV cảnh báo: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản, bởi hai lý do: Không có tiền trả lương cho người lao động, dẫn đến nguy cơ sẽ mất nguồn nhân lực và không có vốn để kinh doanh, đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid-19 vừa qua”.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới hạn mức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Nếu không, sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn lạm phát.
Hỗ trợ tiếp cận tài chính, chuyển đổi số
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm rất quan trọng để kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cao. Do đó, Chính phủ nhất quán quan điểm điều hành tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời không để ảnh hưởng quá mức đến cung cấp vốn cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách và công tác điều hành, không để hai mục tiêu này bó cứng lẫn nhau.
Để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Đồng thời, đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế, bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu phương án nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Tại thời điểm này, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó các thách thức mới để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang rất lúng túng trong chuyển đổi số và tiếp cận tín dụng. Bài toán chung của doanh nghiệp là vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình số hóa; lựa chọn giải pháp phù hợp khi chi phí đầu tư cao và xu hướng công nghệ mới liên tục được cập nhật; khó xác định được thời gian áp dụng công nghệ và lộ trình số hóa tổng thể…
Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Mạnh Hùng cho biết, Cục đang phối hợp dự án USAID LinkSME triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đến nay, đã có gần 400 nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số. Cùng với đó, Cục Phát triển doanh nghiệp và dự án USAID LinkSME đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp. Trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD. Tuy đây mới chỉ là những kết quả ban đầu nhưng đã cho thấy hướng đi và phương pháp mới trong việc trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị nội bộ để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững.
Theo Nhandan