Hà Nội:  Mời nhà đầu tư nước ngoài, chú trọng mô hình hợp tác công tư để phát triển ngành Công nghiệp văn hóa đến năm 2045

Thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu ngành Công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”…là tiền đề xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn minh, văn hiến, hiện đại và sáng tại, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới…

Chú trọng vào những ngành ưu tiêu mũi nhọn

Mục tiêu cụ thể hướng đến sẽ duy trì và phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiế kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đẩy mạnh các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh. Tiếp tục phát triển các ngành: Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản…

Các ngành CNVH sẽ thúc đẩy chỉ số GRDP, cụ thể đến năm 2025 phấn đấu đóng góp khoảng 5 % GRDP của Thành phố, đến năm 2030 phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố và đến năm 2045 con số là khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Đề thực hiện các mục tiêu cụ thể, Hà Nội giao một số Sở, ban ngành như Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch và Kiến trúc, Thông tin và Truyền thông, Viện Quy hoạch… triển khai 08 nội dung công việc: (1) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về Công nghiệp văn hóa; (2) Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; (3) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; (4) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; (5) Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; (6) Thu hút và hỗ trợ đầu tư: (7) Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; (8) Triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo.

Cụ thể, các đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ  thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực tạo động lực phát triển CNVH trên các lĩnh vực ưu tiên đã đưa ra.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các cơ chế hợp tác công – tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ giải thưởng theo hình thức hợp tác công – tư để phát triển văn hóa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ cùng phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, xúc tiến đầu tư, quảng bá, phát triển các loại hình CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng, đảm bảo phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, cải cách quy trình thủ tục đầu tư nhằm thu hút được các nhà đầu tư trong nước, quốc tế có uy tín thương hiệu, tiềm lực triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất, công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp vui chơi và thể thao có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển CNVH…

Mời doanh nghiệp đầu tư vào các công trình, dự án lớn

Về nội dung thu hút và hỗ trợ đầu tư, Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội tập trung vào công trình, dự án lớn (Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP tầm quốc gia, Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia, Tổ hợp thể thao đẳng cấp quốc tế…Tạo  môi trường pháp lý thuận lợi, thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực CNVH; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư.

Những nội dung trên được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành ngày 12/8/2022 tại Kế hoạch số 217/KH-UBND: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

B.Khánh (Trung tâm XTĐT phía Bắc)

 

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo