Huyện Đà Bắc đứng trước nhiều cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển KT-XH, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch. Ảnh: Trung tâm thị trấn Đà Bắc.
Là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng Đà Bắc đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để nắm bắt được những cơ hội đó, một trong những giải pháp quan trọng mà huyện xác định, đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch.
Đà Bắc là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh, phía Bắc giáp huyện Thanh Sơn và Tân Sơn (Phú Thọ); phía Đông giáp TP Hòa Bình; phía Nam giáp huyện Cao Phong, huyện Tân Lạc; phía Tây giáp huyện Mai Châu và các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên (Sơn La). Huyện Đà Bắc có điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, có đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp và chia cắt mạnh nên địa hình có độ dốc lớn. Mạng lưới giao thông của huyện gồm đường bộ và đường thuỷ nội địa. Trong đó, đường bộ là phương thức vận chuyển chính đóng vai trò quan trọng nhất, gồm tuyến đường tỉnh 433 qua địa bàn huyện 83 km và hệ thống đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài khoảng 1.268,5 km. Những năm qua, KT-XH của huyện có bước phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, địa hình vùng núi cao chia cắt, phức tạp kèm theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai khó lường, kết cấu hạ tầng có xuất phát điểm thấp nên đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Do vậy, hiện Đà Bắc là huyện nghèo duy nhất của tỉnh theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 41,56%.
Khó khăn còn nhiều ở phía trước nhưng Đà Bắc đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá trong phát triển KT-XH, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch. Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định của pháp luật là 1 trong 4 đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (huyện Đà Bắc có 7 xã nằm trong quy hoạch). Cùng với đó, tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đi qua địa bàn huyện Đà Bắc đã tạo ra những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Do đó, từ năm 2020 đến nay, công tác quy hoạch được Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai lập và quản lý 36 đồ án quy hoạch xây dựng, gồm: Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; 7 đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500; 10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng và 16 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 thị trấn Đà Bắc và vùng phụ cận đến năm 2035 có nhiều nội dung điều chỉnh mang tính “thời sự”, đột phá. Đó là quy hoạch thị trấn Đà Bắc và vùng phụ cận thành 3 phân khu chức năng phát triển, gồm: Phân khu 1 là khu đô thị trung tâm, gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Đà Bắc; Phân khu 2 – Khu dịch vụ tổng hợp – cụm công nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp, gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Tú Lý; Phân khu 3 – Khu du lịch sinh thái gắn với lòng hồ Hòa Bình, gồm toàn bộ địa giới hành chính 2 xã Hiền Lương và Toàn Sơn. Đồ án đã quy hoạch cụ thể các khu vực phát triển mở rộng đô thị, hành lang du lịch sinh thái, cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc ven đường cao tốc trong tương lai.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh: Các đồ án quy hoạch được nghiên cứu lập tạo thêm không gian phát triển, khai thác hiệu quả quỹ đất; đồng thời triển khai xây dựng theo kế hoạch phát triển cho từng năm và từng giai đoạn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thêm nguồn lực để phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, các quy hoạch lập mới và điều chỉnh từng bước giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Các khu vực dân cư được chỉnh trang, các chỉ tiêu quản lý nhà ở được ban hành tạo nhiều thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân và người dân được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất và đầu tư xây dựng.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập quy hoạch và xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo; công tác quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ huyện; có quy hoạch tốt mới có đề án, dự án tốt, thu hút nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Theo HBĐT