Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương – Ảnh: VGP/Nhật Thy
Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông tin trên được ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra tại tọa đàm “Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” do Báo Công Thương tổ chức mới đây.
Cụ thể theo từng ngành hàng, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong ngành dệt may da giày: 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước chiếm 52%, và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với ngành cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết này còn lỏng lẻo mà nguyên nhân chính là nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.
Về mặt khách quan, Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2-3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.
Tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.
Về mặt chủ quan từ phía doanh nghiệp và ngành, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn sắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp.
Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Về công tác quản lý nhà nước, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa hiểu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, để giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Về dài hạn, giải pháp đặt ra là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước (chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước).
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận định trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vướng mắc gây cản trở, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.
Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Theo Chinhphu.vn