Tại thời điểm 31/12/2020, Đông Nam Bộ có 281.100 doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Theo Báo cáo chính thức Tổng Điều tra kinh tế 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, theo vùng kinh tế, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện rõ vai trò là hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, luôn dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và số lao động.
Tại thời điểm 31/12/2020, vùng Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 281.100 doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2016.
Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216.800 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.
Tiếp đến, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 89.200 doanh nghiệp, chiếm 13,0%, tăng 39,7% so với năm 2016, thu hút 1,7 triệu lao động, chiếm 11,4%, tăng 2% so với năm 2016.
Đứng thứ tư là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 50.900 doanh nghiệp, chiếm 7,4%, tăng 36,3% so với năm 2016, thu hút 1,2 triệu lao động, chiếm 8,1%, tăng 8,6% so với năm 2016.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ năm với 28.100 doanh nghiệp, chiếm 4,1%, tăng 43,4% so với năm 2016, thu hút 936.100 lao động, chiếm 6,4%, tăng 14,3% so với năm 2016.
Cuối cùng là vùng Tây Nguyên có 17.900 doanh nghiệp, chiếm 2,6%, tăng 38,0% so với năm 2016, thu hút 226.000 lao động, chiếm 1,5%, giảm 6% so với năm 2016.
Theo Báo cáo điều tra, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lao động bình quân một cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra có xu hướng giảm dần so với năm 2016; trong đó, quy mô lao động trong các cơ sở thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã giảm mạnh nhất.
Lao động bình quân một cơ sở năm 2020 đạt 4,5 người, giảm 0,2 người so với năm 2016. Trong đó, lao động bình quân một cơ sở thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp là 23,2 người; doanh nghiệp và hợp tác xã là 20 người; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là 3,6 người; cơ sở cá thể là 1,7 người.
Ngoài cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có sự tăng lên về lao động bình quân, còn lại các đơn vị điều tra khác đều giảm so với năm 2016. Cụ thể, lao động trong cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã giảm 4,3 người; cơ sở hành chính sự nghiệp giảm 2,7 người; cơ sở cá thể giảm 0,01 người.
Các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đa địa điểm chiếm tỷ trọng thấp, phản ánh thực trạng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Cơ sở trực thuộc doanh nghiệp năm 2020 đạt 727.600 cơ sở, trong đó cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm chiếm tới 77,5%. Các cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ, chiếm 67,5%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 31,6%; và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,9%.
Các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đa địa điểm chiếm 22,5% tổng số cơ sở thuộc doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ có nhiều cơ sở trực thuộc nhất, chiếm tới 84,5%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 14,7% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ với mức 0,8%.
Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô lao động bình quân một cơ sở trực thuộc doanh nghiệp chênh lệch lớn giữa cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm và đa địa điểm.
Lao động bình quân một cơ sở trực thuộc doanh nghiệp năm 2020 đạt 20,2 người, trong đó, lao động trong các cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm là 14,2 người, thấp hơn nhiều so với mức 40,9 người của các cơ sở thuộc doanh nghiệp đa địa điểm./.