Để vùng ven thực sự là vệ tinh của đô thị Thành phố Vinh

Để vùng ven thực sự là vệ tinh của đô thị Thành phố Vinh ảnh 1

Để vùng ven thực sự là vệ tinh của đô thị Thành phố Vinh ảnh 1

Nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử EM-Tech tại KCN VSIP Nghệ An 1, đứng chân tại địa bàn Hưng Nguyên sử dụng trên 8.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động Hưng Nguyên, Nam Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải
Định hướng phát triển cho Nghệ An, Nghị quyết 26/NQ-TW nhấn mạnh tính hợp tác, liên kết vùng, theo đó, cùng với TP Vinh giữ vai trò trung tâm, đầu tàu cực tăng trưởng phía Nam, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên… là vệ tinh phối hợp.

Bước ngoặt về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Hưng Nguyên và Nghi Lộc là 2 trong số các đơn vị cấp huyện có các chỉ số tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp tích cực nhất. Cùng với phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, các địa phương đang nỗ lực và quyết tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng, tìm cách chinh phục những thách thức đặt ra trong thực tiễn.

Theo báo cáo của huyện Hưng Nguyên, giai đoạn 2013-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,08%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20,4 triệu đồng (năm 2013) lên 48 triệu đồng (năm 2021); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng từ 38,68% (năm 2013) lên 46,1% (năm 2021), tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 27,31% (năm 2013) xuống còn 18,5% (năm 2021). Thu ngân sách bình quân giai đoạn 2013-2021 tăng 12,5%. Trong đó năm 2013 đạt 91,57 tỷ đồng, năm 2021 đạt 546 tỷ đồng.

Ông Phạm Quốc Việt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đánh giá: Thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ qua cũng như gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Hưng Nguyên là thu hút được nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp lớn nhất vào địa bàn. Mặc dù mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 nhưng với 22 dự án đi vào hoạt động, Khu Công nghiệp VSIP đã thu hút gần 5.000 lao động địa phương vào làm việc. Cùng với 200 doanh nghiệp và 175 cơ sở sản xuất được thành lập mới, mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho từ 3.000 đến 3.500 lao động.

Trên thực tế, trong từng nội bộ ngành cũng có chuyển dịch theo hướng tích cực, đó là nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ có các nhà máy trong khu công nghiệp ra đời và tận dụng lợi thế huyện ven thành phố Vinh nên các ngành nghề hoạt động xây dựng và thương mại, dịch vụ tại Hưng Nguyên phát triển hơn, con em lao động dù ly nông nhưng ít phải ly hương hơn.

Bình quân giai đoạn 2013 – 2021, quy mô kinh tế huyện (GRDP) Nghi Lộc cao gấp 2 lần so với năm 2013. Năm 2021 quy mô kinh tế của huyện đạt cao nhất với 26.086 tỷ đồng. Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010 – 2015 chỉ khoảng trên 9% thì giai đoạn 2015 – 2020 đạt 12,53%; năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn đạt 7,51%, tổng giá trị sản xuất đạt 18.590,532 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp – thuỷ sản. Cụ thể, tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp – công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ lần lượt là 30,76% – 39,19% -30,05% vào năm 2013, và đến năm 2021 tỷ trọng này lần lượt là 16,2% – 58,5% – 25,3%.

Ông Nguyễn Bá Điệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết 26, nhất là trong 5 năm trở lại đây, cả hệ thống chính trị huyện và xã đã thực sự nỗ lực, cố gắng. Là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, có thời điểm cùng lúc, huyện triển khai thu hồi hàng ngàn ha đất cho các dự án hạ tầng KCN WHA và các dự án trọng điểm khác nên khá áp lực và căng thẳng. Tuy vậy, được sự hỗ trợ đồng hành của tỉnh và sự chia sẻ của người dân nên phần lớn các dự án đều được bàn giao mặt bằng đúng hạn. Hiện nay, ngoài tạo ra giá trị công nghiệp, các dự án trong và ngoài Khu kinh tế đã mang lại việc làm cho trên dưới 10.000 lao động địa phương.

Áp lực khi bước vào giai đoạn mới

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng so với yêu cầu đề ra, đại diện các địa phương cũng thẳng thắn thừa nhận đó mới chỉ là bước đầu. Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 trong giai đoạn mới, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương đề ra các đề án, kế hoạch để cụ thể hóa. Chẳng hạn, với lợi thế là huyện nông nghiệp ven TP Vinh, cùng với khuyến khích người dân đầu tư vốn phát triển các ngành nghề làm vệ tinh cho đô thị, huyện Hưng Nguyên triển khai Đề án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cùng với khuyến khích, hỗ trợ tích tụ ruộng đất để đầu tư xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà màng và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huyện đặt mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp khai thác khoảng 200 ha vùng đất bãi để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như dưa lưới, các cây trồng dược liệu…

Để vùng ven thực sự là vệ tinh của đô thị Thành phố Vinh ảnh 5

Trong khi đó, huyện Nghi Lộc với lợi thế có vùng bán sơn địa, nguồn tài nguyên đất đồi phong phú, nên song song với thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất triển khai KCN WHA giai đoạn 2 tại xã Nghi Đồng và Nghi Hưng, huyện mạnh dạn thu hút đầu tư, mở rộng các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, dệt may, điện tử… tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Trung, Nghi Diên… để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Theo định hướng, đến năm 2025, địa giới TP Vinh sẽ được điều chỉnh mở rộng , sáp nhập thêm 5 xã, thị trấn phía Đông đường tránh Vinh của Hưng Nguyên và 15 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc gồm các xã từ Nam Cấm trở vào (theo đề xuất mới nhất thì toàn bộ Thị xã Cửa Lò và 9 xã thuộc địa bàn Nghi Lộc sẽ được sát nhập về TP Vinh). Do đó, việc quy hoạch vùng trong từng huyện để đầu tư phát triển có những khó khăn, quá trình xây dựng quy hoạch cấp huyện vừa qua, các huyện Hưng Nguyên hay Nghi Lộc dù xác định là đô thị vệ tinh của TP Vinh vẫn còn có không ít băn khoăn về lựa chọn phương án.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Phạm Quốc Việt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hưng Nguyên, để trở thành vệ tinh của thành phố Vinh như định hướng của Nghị quyết 26, huyện đã định hướng khai thác lợi thế của mình, song do năng lực nội tại còn khiêm tốn, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Một ví dụ đơn giản là huyện bước đầu đã định hình được một vài sản phẩm OCOP Tiêu biểu để ưu tiên đầu tư nhưng do quy mô còn quá nhỏ nên rất khó tạo đột phá. Vì vậy, quá trình phát triển, để tăng cường liên kết và hợp tác theo đúng mục tiêu là vệ tinh của đô thị Vinh thì tỉnh cũng như Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể và lớn hơn cho các địa bàn ven đô.

Theo Baonghean.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo