Đóng góp chính và là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, TP. Móng Cái là hạt nhân cho sự phát triển của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được khẩn trương thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng ảnh: thu lê |
Thực hiện tốt mục tiêu kép
Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Luân II và cầu phao Km 3+4 Hải Yên của Móng Cái đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Theo Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/5/2021, đã có 39.968 phương tiện chở 841.797 tấn hàng hóa các loại xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 và lối mở Cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên. Trong đó, tại cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 có 21.047 phương tiện chở 355.448 tấn hàng hóa, tăng 34,72% số phương tiện và tăng 20,12% về hàng hóa. Còn tại lối mở Cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên, có 18.921 phương tiện chở 486.349 tấn hàng hóa xuất khẩu (tăng 312% so cùng kỳ năm 2020).
Tuy nhiên, để đảm bảo giữ vững địa bàn an toàn, thì việc kiểm soát chặt chẽ người và hàng hoá dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc. Để giải quyết vấn đề này, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết: “Thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục thông quan. Chỉ sau ít ngày triển khai (từ 16-19/4), Tổ công tác liên ngành đã nhanh chóng giải quyết 100% hàng tồn tại cảng ICD Thành Đạt, với hơn 250 container hàng hóa, không còn hàng tồn đọng, giúp cho doanh nghiệp, cư dân biên giới thông quan ngay khi xe vào Lối mở Km 3+4 Hải Yên, không phải chờ như trước đây”.
TP. Móng Cái cũng chủ động và sáng tạo trong biện pháp phòng dịch bằng cách triển khai biện pháp dán tem niêm phong cabin xe để kiểm soát quá trình di chuyển, đi lại của lái xe, phụ xe khi qua địa bàn Thành phố trong quá trình vận chuyển hàng hoá đi – đến các điểm xuất nhập khẩu.
Hạt nhân của KKT Cửa khẩu
Từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt từ năm 2015, TP. Móng Cái đã lập đồ án quy hoạch phân khu; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu, đa dạng hoá các hình thức huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Thành phố đạt trên 3.550 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 19.065 tỷ đồng, tăng bình quân 31,18%/năm; vốn FDI đạt trên 1.526 tỷ USD.
Là hạt nhân tăng trưởng của KKT cửa khẩu sôi động nhất của Quảng Ninh, TP. Móng Cái đã phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, logistics. Nhiều nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, Ecoland, Amata, Bến Thành Holdings… đã đến nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án quy mô lớn, đột phá.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng ban Ban Quản lý KKT Quảng Ninh cho biết, sau 5 năm thực hiện các quy hoạch này, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (bao gồm toàn bộ diện tích TP. Móng Cái và một phần huyện Hải Hà) đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – xã hội. Hạ tầng giao thông phát triển và ngày càng đồng bộ. Dự án Xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã được khởi công ngày 3/4/2019, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn. Tuyến đường tạm để kết nối giao thông, thông thương với Đông Hưng (Trung Quốc) đã hoàn thành. Cầu Bắc Luân 2 được khánh thành từ tháng 9/2017 đã thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây (Trung Quốc) và giảm tải cho cầu Bắc Luân 1. Với những điều kiện trên, TP. Móng Cái đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh từ năm 2018.
Theo ông Huy, để có thể xây dựng TP. Móng Cái trở thành đô thị loại I trên cơ sở sáp nhập 2 địa giới hành chính là Móng Cái và Hải Hà; mở rộng không gian đô thị, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tổ chức lại khu đô thị, khu dân cư; phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái bền vững hiện đại theo hướng “1 trục, 2 vùng, 3 trung tâm”, thì quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái cần phải được điều chỉnh.
Ngày 16/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 đã mở ra không gian phát triển mới cho TP. Móng Cái nói riêng và cả Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.
Theo Baodautu