Nhấn mạnh doanh nghiệp sau khi cổ phần phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, cổ phần hóa là nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải để chuyển quyền sử dụng đất nhằm lấy địa tô chênh lệch.
Cổ phần hóa chậm do đâu?
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) và Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng tình với nhận định của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là một trong những nút thắt trong quá trình cổ phần hóa.
Nhấn mạnh cổ phần hóa thời gian qua chậm cũng là từ khâu này, Bộ trưởng nêu rõ, khi trình phương án sắp xếp tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm.
Từ tình trạng trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2021 mới chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, tổng thu ngân sách chỉ được 4.402 tỷ đồng. Đây là vấn đề về mặt luật pháp cần phải được hoàn thiện, Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước chuyển sang tài sản tư nhân.
Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất – tài sản toàn dân do Nhà nước đại diện, cho nên khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất thuê với mục đích sản xuất kinh doanh khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân cũng phải thực hiện đúng mục đích đó, tức sử dụng đất để sản xuất kinh doanh đúng mục tiêu đã được phê duyệt trong phương án sử dụng đất.
“Nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại Nhà nước, và Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Điều đó có nghĩa địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Nâng cao năng lực sản xuất sau cổ phần hóa
Bộ trưởng nhấn mạnh, điều này sẽ giúp thúc đẩy năng lực của nền kinh tế, tức doanh nghiệp cổ phần hóa là để nâng cao năng lực sản xuất, chứ không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, để thải hồi công nhân, hay bán máy móc thiết bị và lấy khu đất này bán để lấy địa tô chênh lệch và chuyển qua đất ở hay các loại đất khác.
“Nếu làm được điều này, chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh của doanh nghiệp sẽ nâng lên, và như vậy cũng không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để tổ chức cổ phần hóa”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Nêu rõ 2 vướng mắc nhất trong quá trình cổ phần hóa là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất được phê duyệt trước cổ phần hóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, một số nút thắt về pháp lý sẽ tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm cổ phần hóa thực hiện đúng kế hoạch.
Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp thực hiện cổ phần hóa, Bộ trưởng kiến nghị, đối với cổ phần hóa doanh nghiệp dưới 5% vốn nhà nước thì nên tiến hành cổ phần hóa hết. Trong khi đó, những doanh nghiệp quản trị tốt, làm việc tốt, giải quyết được việc làm, điều tiết được ngân sách thì nên giữ, và nên tăng cường năng lực để giúp các doanh nghiệp này hoạt động tốt.
Theo Nhandan