Liên kết hành lang kinh tế biển Bắc Trung Bộ

Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam.

Với chiều dài khoảng 250km, tuyến quốc lộ ven biển đi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành trục phát triển mới, kết nối các trung tâm du lịch, đô thị, hành lang phát triển kinh tế trong khu vực, phát huy hiệu quả đồng bộ hạ tầng giao thông, “chia lửa” với quốc lộ 1. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng duyên hải.

Cùng với việc làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại những khu vực đã hoàn thành dự án, các địa phương, đơn vị đang tập trung giải phóng mặt bằng, nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây lắp, để sớm đưa tuyến giao thông huyết mạch này vào khai thác, thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế, dịch vụ ven biển theo hướng xanh, bền vững.

Trục phát triển mới

Trong ba tỉnh nêu trên, Hà Tĩnh được ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng tuyến quốc lộ ven biển trước. Hiện, tuyến quốc lộ ven biển qua Hà Tĩnh dài gần 70km, đi qua các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Điểm bắt đầu từ nam cầu Cửa Hội ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân vào đến điểm cuối ở xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) đang hoàn thành những ki-lô-mét đường cuối cùng. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành trước ngày 30/6 tới.

Từ trên cao nhìn xuống, tuyến đường này như dải lụa chay song song với bờ biển Hà Tĩnh. Ở các cửa sông, những cây cầu lớn với độ tĩnh không cao bắc qua, phía dưới tàu hàng, tàu cá qua lại nhộn nhịp. Ở phía Nghệ An, tuy nguồn vốn bố trí muộn, nhưng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng cầu Cửa Hội nối hai bờ sông Lam. Nghệ An cũng nỗ lực tiến hành thi công và hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường ven biển này, dài 7,5km để đấu nối từ quốc lộ 46 (huyện Nghi Lộc), tỉnh lộ 535 (thị xã Cửa Lò) với quốc lộ ven biển đoạn Hà Tĩnh qua cầu Cửa Hội.

Khi cầu Cửa Hội, tuyến đường ven biển Hà Tĩnh và Nghệ An (giai đoạn 1) hoàn thành đưa vào hoạt động thì ngay lập tức đã hỗ trợ giao thông hiệu quả cho quốc lộ 1. Đường đẹp, tuyến ngắn, nhiều lái xe chọn tuyến đường này thay vì đi qua quốc lộ 1 để giảm thời gian và nhiên liệu khi qua địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hơn nữa, trục đường ven biển này còn tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch lại nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó thiên tai, nhất là cứu hộ, cứu nạn.

Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh) Phan Tấn Linh cho biết: Cầu Cửa Hội và tuyến đường ven biển khánh thành, đi vào hoạt động đã giúp quê hương Nguyễn Du có điều kiện đột phát về kinh tế. Đó là việc kết nối với khu đô thị biển Cửa Lò, tạo điều kiện cho Nghi Xuân đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, kết nối với các tua tuyến giữa Nghệ An, Nghi Xuân và Hà Tĩnh như: Cửa Lò-Quê Bác-Nguyễn Du-Nguyễn Công Trứ-Ngã ba Đồng Lộc… thu hút du khách đến trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ở khu du lịch Xuân Thành.

Đồng thời, hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, thương mại hai bên tuyến đường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, sớm trở thành đô thị trực thuộc tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh Trần Việt Hà cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, đường cao tốc bắc-nam và quốc lộ ven biển được xác định là một trong ba trục phát triển kinh tế chính của tỉnh nhà.

Trong đó, việc hoàn thành, đưa vào khai thác quốc lộ ven biển đã mở ra một chương mới phát triển lĩnh vực du lịch, bất động sản theo hướng xanh, bền vững. Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn đã được Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đang tiến hành khảo sát hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu nghỉ dưỡng ven biển như: Công ty cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji có dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Tập đoàn T&T với dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam (xã Xuân Giang), vốn đăng ký dự kiến 25 nghìn tỷ đồng; Công ty cổ phần vịnh Nha Trang với dự án khu đô thị du lịch Kỳ Nam, vốn đăng ký dự kiến 4.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần ECO LAND với dự án Tổ hợp du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, vốn đăng ký dự kiến 330 tỷ đồng…

Tuyến đường ven biển Việt Nam, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang dài hơn 3.000km, trong đó có gần 100km qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa; khoảng 150km qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngoài Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành thì hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đều mới hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Theo đó, Nghệ An đã hoàn thành 7,5km đoạn qua huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò đấu nối vào phía bắc cầu Cửa Hội để thông tuyến với đường ven biển Hà Tĩnh. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác gần 30km, đoạn từ đại lộ nam sông Mã thuộc phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn đến xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương và qua Khu kinh tế Nghi Sơn.

Liên kết hành lang kinh tế biển Bắc Trung Bộ -0
                                 Tuyến quốc lộ ven biển vùng duyên hải tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh Huy Tùng)

Đẩy nhanh thi công

Trên công trường thi công đường ven biển Thanh Hóa, đoạn Nga Sơn-Hoằng Hóa dài hơn 23km, hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Phía huyện Nga Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Cường Thịnh Thi huy động khoảng 80 cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, hơn 40 phương tiện cơ giới triển khai bốn mũi thi công nền đường trên tuyến và đường công vụ để thi công cầu Lạch Sung. Nhà thầu cũng đang triển khai đắp đất mặt bằng thi công sàn giảm tải mố M1, bãi, bệ đúc dầm cầu Mỹ Liên.

Trên địa bàn huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng miền Trung và nhà thầu phụ đang triển khai tám mũi thi công nền đường, cống thoát nước, trong đó có 5km đã thi công nền K95 và hơn 2km nền đường cấp phối. Kỹ sư La Viết Mạnh chỉ huy điểm thi công nền đường ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, mặc dù gặp một số khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng nhưng đơn vị đang tập trung thi công các cống qua đường, nền đường đến cao trình tránh ngập nước trước mùa mưa, bảo đảm tiến độ thi công.

Các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong tổng gần 24km phải giải phóng mặt bằng, đến thời điểm này ba huyện đã bàn giao 21,26km mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công phóng tuyến. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hoằng Hóa, Lê Văn Trọng cho biết: Chúng tôi đa dạng hóa phương thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường. Cán bộ cấp huyện đến xã, thôn, trực tiếp đến các hộ gia đình vận động cho nên phần lớn hộ dân sớm nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.

Huyện Hoằng Hóa ưu tiên bố trí nguồn thu từ đất thi công xây lắp các đoạn đường từ quốc lộ 1A đến khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Thịnh-Hoằng Đông, Hoằng Quỳ-Hoằng Xuyên, đề xuất được kết nối vào quốc lộ 10. Tương lai gần, tuyến đường ven biển sớm hoàn thành, đưa vào khai thác trở thành trục giao thông kết nối các địa phương vùng duyên hải tỉnh Thanh Hóa với cực tăng trưởng phía đông bắc Tổ quốc, thúc đẩy lưu thông, trao đổi hàng hóa, hình thành các đô thị, trung tâm dịch vụ trên tuyến, khai thác hiệu quả hơn lợi thế du lịch biển. Đây cũng là tuyến đường cơ động quốc phòng, chủ động ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và là trục giao thông chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7+00-Km76+00 được khởi công vào tháng 2/2022. Đây là giai đoạn 2 của dự án và là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An, với vai trò trung tâm gắn kết các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tỉnh đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như triển khai thi công dự án. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp, bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị triển khai trước ngày 15/6 tới.

Đối với khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại, các địa phương sẽ tập trung bàn giao mặt bằng theo tiến độ dự án, trên nguyên tắc có mặt bằng đến đâu, triển khai thi công, hoàn thành đoạn, tuyến đến đó. Sau bốn tháng triển khai thi công, các nhà thầu đã thi công đạt 16,34% kế hoạch xây lắp.

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo các địa phương có tuyến đường đi qua, quốc lộ ven biển không chỉ đóng vai trò kết nối các cụm dân cư, khu du lịch, phát lộ tiềm năng du lịch các khu đô thị biển ở vùng duyên hải… mà còn góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn vùng duyên hải, là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết vùng kinh tế nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh, nam Hà Tĩnh-bắc Quảng Bình.

Đồng thời, đóng vai trò động lực trong việc tạo sự phát triển các khu kinh tế trọng điểm như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), Khu kinh tế Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) và Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) cùng các cảng biển nước sâu quốc tế… Qua đó, hình thành chuỗi các khu kinh tế có sự gắn bó nhằm phát huy thế mạnh khu vực, là tiền đề phát triển kinh tế-xã hội và du lịch.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo