Thái Bình phát huy truyền thống “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn”

Thái Bình phát huy truyền thống “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn” - Ảnh 1.

Thái Bình phát huy truyền thống “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn” - Ảnh 1.

Thái Bình phải phấn đấu phát triển nhanh tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với bề dày lịch sử văn hóa “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn”.

Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 7/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình nêu rõ: Thái Bình là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Năm 2021 tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,68%, Quý I/2022 đạt 7,44%; Thu ngân sách nhà nước tăng, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.580,3 tỷ đồng tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng bằng 39,3% dự toán tăng 63,9% và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ…

Tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong điều kiện dân số đông, mật độ dân số cao; triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 nhanh, hiệu quả; quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện theo hướng ấm no, hạnh phúc.

Trong những năm gần đây, diện mạo tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, khang trang, sạch sẽ, cơ sở hạ tầng có bước phát triển mới, làm tốt xây dựng nông thôn mới, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều sáng kiến, thu hút đầu tư hiệu quả hơn, định hướng phát triển sát với thực tế, sát với tình hình của Thái Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ngày càng đoàn kết, thống nhất, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đưa Thái Bình thành tỉnh kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: kinh tế – xã hội chưa có sự phát triển đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với bề dày lịch sử văn hóa “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn”; chưa giải quyết được nút thắt về phát triển hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường…

Để khắc phục được những hạn chế trên, Thủ tướng yêu cầu Tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của Tỉnh nhằm phát triển tỉnh Thái Bình trong điều kiện mới; phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống đoàn kết, con người thông minh, cần cù, chịu khó.

Phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp

Thái Bình phải phấn đấu phát triển nhanh hơn nữa, vượt qua chính mình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên tự nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản và lâu dài; nhưng cũng không thể thiếu ngoại lực là thu hút được khoa học công nghệ, quản trị, tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Tỉnh phải kế thừa, phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xác định nông nghiệp tiếp tục là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng, bệ đỡ cho phát triển các lĩnh vực khác của Thái Bình, cần đầu tư giống, công nghệ mới, bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường, quy hoạch lại vùng nguyên liệu để phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa gạo và các cây trồng Thái Bình có thế mạnh, có truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch tỉnh Thái Bình bài bản, chiến lược, có tầm nhìn xa, tư duy đột phá, có trọng tâm, trọng điểm để nhận diện, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực sẵn có, đồng thời phải tạo ra động lực mới để thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài.

Đầu tư hạ tầng chiến lược

Đồng thời, Tỉnh tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trước mắt cần tập trung nguồn lực cao nhất, ưu tiên để hoàn thành tuyến đường ven biển tỉnh Thái Bình để kết nối Khu Kinh tế Thái Bình với Cảng Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng Cái Lân, cửa khẩu Móng Cái; tạo động lực quan trọng, tạo ra lối thoát cho giao lưu hàng hóa giúp Khu kinh tế Thái Bình hoạt động hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm, tạo không gian phát triển mới và thu hút đầu tư từ bên ngoài; nghiên cứu các phương án lấn biển gắn liền với phát triển Khu Kinh tế Thái Bình, cần đánh giá tác động của phương án lấn biển với môi trường để tìm ra phương án phù hợp.

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực được đào tạo từ hai trường Đại học trên địa bàn là Đại học Y Dược Thái Bình và Đại học Thái Bình cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng cũng như các địa phương lân cận; sớm hình thành trung tâm y tế chất lượng cao gắn với trường Đại học Y Dược Thái Bình và trường Cao đẳng Y tế Thái Bình.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao một số chỉ số hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo