Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Dấu ấn từ những giải pháp đồng bộ

Sản xuất chiếu tre tại cụm công nghiệp địa phương số 2 xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có chuyển biến rõ rệt. Để đạt được kết quả đó, trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp theo phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Giữa năm 2021, tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, thủ tục đầu tư… Đây là “nút thắt”, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

                            Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Bắc thực hiện sản xuất khoá tự động

Nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế, trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách bài bản, hiệu quả.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 43 ngày 23/8/2021 về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thống nhất triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị, với mục tiêu đặt ra là phấn đấu chỉ số PCI từ năm 2021 trở đi nằm trong nhóm khá của cả nước.

Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng danh mục gồm 68 dự án để thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn trên các lĩnh vực: hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng; giao thông đô thị; du lịch dịch vụ; nông nghiệp nông thôn… Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 200 lượt ý kiến kiến nghị, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh thông qua hoạt động đối thoại trực tiếp trong năm 2021.

 

Các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp nhận nghiên cứu trả lời, giải quyết kịp thời đạt 80%, qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn và mang lại niềm tin cho doanh nghiệp.

Năm 2021, cũng ghi nhận sự vào cuộc của khối các sở, ngành và UBND các huyện trong việc nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân cũng như khắc phục những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường. Theo kết quả khảo sát xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2021 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện, chỉ số tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của khối địa phương có sự cải thiện đạt 5,73 (tăng 0,3 điểm so với năm 2020) và có tới 7/11 huyện, thành phố tăng điểm. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính của khối sở, ngành cũng có chuyển biến rất tích cực, sự hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp được các sở, ngành quan tâm thực hiện có hiệu quả…

Với những nỗ lực của các cấp, ngành trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, theo bảng xếp hạng PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây,  chỉ số PCI của Lạng Sơn vươn lên vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành (năm 2020 Lạng Sơn đứng thứ 49/63). Trong 10 chỉ số đánh giá năm 2021, có tới 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2020 gồm: chỉ số chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và chỉ số tiếp cận đất đai.

Đáng chú ý, trong số 6 chỉ số cải thiện về điểm số thì lần đầu tiên chỉ số tiếp cận đất đai có sự tăng điểm ấn tượng tới 0,75 điểm từ 5,96 điểm năm 2020 lên 6,71 điểm.

Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực và có ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lô Thời Nhuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Chi Lăng – nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Trong suốt quá trình đề xuất, nghiên cứu lập dự án đầu tư, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND huyện Chi Lăng, các sở, ngành chức năng của tỉnh từ thủ tục quy hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đến hoàn thiện các hồ sơ dự án theo quy định… Nhờ đó đến nay, dự án của đơn vị đã được triển khai rất thuận lợi đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhưng do môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ nét, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục lựa chọn Lạng Sơn để đầu tư. Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến giữa tháng 5/2022, UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 27 dự án với tổng vốn đăng ký gần 3.900 tỷ đồng.

Với những kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục cam kết đồng hành với doanh nghiệp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, ngoài việc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, lành mạnh. Mục tiêu đặt ra là tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh, từ đó tạo tiền đề để Lạng Sơn trở thành tỉnh nằm trong nhóm khá và có sự phát triển toàn diện, bền vững.

Theo Báo Lạng Sơn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo