Nỗ lực phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị, thông minh, hiện đại. Ảnh Hanoimoi
Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06/NQ/TW. Đây là dấu ấn lớn, định hướng để phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Hiện các cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có Hà Nội đang khẩn trương triển khai Nghị quyết này.
Tạo diện mạo mới cho Thủ đô
Sau hơn 10 năm phát triển, Hà Nội đã và đang giữ vai trò là một trung tâm quan trọng nhất của cả nước, có sức hút và tác động phát triển rộng lớn đối với quốc gia và khu vực Bắc bộ. Tập trung phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung về giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Hà Nội đã cơ bản phủ kín toàn bộ hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa chưa cao, chỉ đạt hơn 49% (chỉ tiêu từ 58%-60%); chưa xác định rõ vai trò trung tâm trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và vùng Thủ đô…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch.
Đến nay, đã hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng – đô thị, quy hoạch phân khu đô thị (cấp độ 1) cơ bản đạt 100%.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Các Chương trình, Chỉ thị được ban hành đã cơ bản thống nhất, cụ thể hóa nhiều nội dung cần thực hiện nêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn khẳng định.
Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng phát triển cho Thủ đô Hà Nội đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước; phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tập trung, nỗ lực phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị, thông minh, hiện đại, đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển hệ thống đô thị Vùng Thủ đô và toàn quốc, xây dựng Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước.
Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng triển khai công tác chương trình trọng điểm có kế hoạch. Cụ thể như tổ chức lập, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội gắn với chương trình phát triển đô thị Thành phố.
Tập trung nguồn lực phát triển nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Thủ đô một cách tổng thể hiện đại. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối các đô thị vệ tinh và kết nối nội vùng với liên vùng như: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các tuyến xuyên tâm vành đai, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5…
Đồng thời xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung sớm đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-vùng Thủ đô. Thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, giảm áp lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện trạng…
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới. Trong đó sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh) sẽ bảo đảm kết nối với 2 thành phố lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “Trung tâm của 3 trung tâm” – 3 cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch vùng Thủ đô (Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh). Thành phố tại khu vực phía Tây (đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai) hình thành định hướng đô thị có tính chất Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc.
Ngoài ra, tập trung phát triển các huyện lên quận; phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam của Thủ đô đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập các Quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch Vùng… theo Luật Quy hoạch 2017, làm cơ sở để Thành phố tổ chức triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị-nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng…
Thống nhất việc triển khai Chương trình, kế hoạch hành động của TP. Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; đồng thời, kết hợp với việc triển khai Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Theo Chinhphu.vn