Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ngày 1/5, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức “Hội thảo hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự và phát biểu khai mạc sự kiện.
Khả năng hợp tác không có giới hạn
Trong gần 50 năm qua, mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam – Nhật Bản đã được xây dựng, phát triển trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ và được kế thừa qua các thế hệ. Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Có thể nói mối quan hệ, hợp tác tin cậy đó đang ở thời điểm rực rỡ nhất và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy liên kết đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11 năm 2021 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, tại Tuyên bố chung của hai Thủ tướng, hai Bên đã thống nhất cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp nhằm góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Và trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hội thảo được tổ chức ngày hôm nay một lần nữa khẳng định sự cần thiết và vai trò quan trọng trong việc hợp tác đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp nhằm duy trì sự kết nối trên toàn chuỗi cung ứng, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn như thời gian vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do dịch bệnh và xung đột lợi ích, vũ trang như hiện nay.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ hết sức dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.”
Đồng quan điểm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đánh giá, khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn. Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa hướng tới giai đoạn hậu COVID-19. Theo đó để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác này, Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng: “Trước hết, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam thì công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt. Tiếp theo, Nhật Bản và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số. Và thứ ba là đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này”.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian vừa qua, thông qua các chương trình kết nối kinh doanh, các doanh nghiệp và các tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong ngành chế tạo ô tô, xe máy, điện tử. Các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản, như AOTS, Toyota, Denso đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, như cử chuyên gia Nhật Bản đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam về 5S, kaizen; cử kỹ sư tham gia giảng dạy, đào tạo tư vấn; tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham quan, học tập từ các nhà cung cấp đã tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản… Những nội dung này được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao nhờ tính ứng dụng, thực tế, và hiệu quả, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, sử dụng trang thiết bị hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các nội dung hợp tác mới chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp, dựa trên nỗ lực của từng doanh nghiệp đơn lẻ, chưa có sự tham gia, vào cuộc mạnh mẽ ở cấp Chính phủ. Qua quá trình triển khai, các doanh nghiệp hai bên mong muốn có thể mở rộng quy mô và nâng tầm hợp tác giữa hai nước.
Triển khai nhiều dự án cụ thể
Xuất phát từ mong muốn, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đề xuất Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, JETRO và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản cùng đồng hành và triển khai các chương trình, dự án cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, đồng thời tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh công nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đáp lại đề xuất của phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, ông Hirose Naoshi cho rằng, để Việt Nam có bước tiến nhảy vọt trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai, hai bên cần (1) tận dụng kinh nghiệm vượt qua cuộc khủng hoảng Corona năm ngoái để chuẩn bị bước tiếp theo, (2) hỗ trợ hơn nữa đầu tư của các công ty Nhật Bản như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và (3) nỗ lực hơn nữa thúc đẩy việc hợp tác xây dựng và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để phục vụ đa dạng hóa chuỗi cung ứng.”
Bên cạnh đó, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện chiến lược, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết: “Chương trình chuyển đổi số quốc gia có 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 09 yếu tố nền móng phát triển kinh tế số và xã hội số bao gồm: Thanh toán số, doanh nghiệp số, kỹ năng số, nhân lực số, an toàn an ninh mạng, dữ liệu số, nền tảng số, hạ tầng số và thể chế số. 07 ngành lĩnh vực trọng điểm trong phát triển kinh tế số và xã hội số là: Tài nguyên và môi trường, du lịch, thương mại công nghiệp và năng lượng, lao động – việc làm và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp và nông thôn. Điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khẳng định, trong ba lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số (DX) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, JETRO sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. “Đặc biệt, JETRO sẽ tổ chức “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ” với sự hợp tác của Bộ Công Thương về đổi mới công nghệ, và cung cấp hỗ trợ phù hợp giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam. Trong lĩnh vực chuyển đổi số (DX), trên cơ sở bản ghi nhớ hợp tác được Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hôm nay, chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ hợp tác và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực chuyển đổi số của các công ty Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng là đầu mối trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cũng ứng”, ông Sasaki Nobuhiko cho biết thêm.
Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, đây là một quá trình không hề dễ dàng với vô vàn thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp và toàn diện.
Trong thời gian tới, với sự quyết tâm và ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa cung ứng giữa hai nước sẽ không chỉ là cơ hội, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp hai nước chúng ta đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo MOIT