Các doanh nghiệp Pháp muốn tăng cường đầu tư vào Bình Dương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành khẳng định Bình Dương có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Pháp.

Sáng 26/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp UBND tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC và Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Paris tổ chức Hội nghị trực tuyến về xúc tiến đầu tư. Các đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp nói chung và với tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ có bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC; ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành tại Việt Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp Pháp và Việt Nam hiện đang hợp tác đầu tư, thương mại tại tỉnh Bình Dương.

Tại Pháp có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam, ông Đinh Toàn Thắng; đại diện bộ phận xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Pháp; đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp cùng đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư Pháp.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao sự hợp tác, đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Cộng hòa Pháp tại Bình Dương trong suốt thời gian qua và khẳng định, tỉnh Bình Dương nói chung và Becamex IDC nói riêng đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón chào những nhà đầu tư Pháp trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, 2022 là năm đánh dấu mốc 49 năm 2 nước Pháp-Việt thiết lập quan hệ ngoại giao và 9 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Sự hợp tác giữa 2 bên luôn được cải thiện theo thời gian, thông qua việc tăng cường trao đổi, thống nhất các biện pháp để phát triển sâu rộng, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực… Trong bối cảnh Chính phủ 2 nước đang từng bước mở cửa trở lại sau những làn sóng ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, bây giờ là thời điểm thích hợp để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư Việt Nam-Pháp.

Các doanh nghiệp Pháp muốn tăng cường đầu tư vào Bình Dương -0
                                                          Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ tin tưởng rằng, với quá trình hội nhập quốc tế cùng khuôn khổ pháp lý ngày càng đồng bộ kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và sự quyết tâm của Chính phủ, trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa Pháp với Việt Nam nói chung và với tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ có bước đột phá mạnh mẽ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp tới đầu tư tại tỉnh Bình Dương và Becamex Bình Dương cả về số lượng và chất lượng.

Một số diễn giả, chuyên gia đến từ các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp Pháp đã có những bài thuyết trình về môi trường đầu tư tại Việt Nam, các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cùng cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa 2 nước.

Ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh những yếu tố thuận lợi cho các nhà đầu tư Pháp. Đó là sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào và có trình độ, cơ sở hạ tầng phát triển rất nhanh trong đó có các khu công nghiệp ở Việt Nam. Bình Dương là 1 trong những địa phương nổi bật ở Việt Nam về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Việt Nam đã có chiến lược rất quyết liệt và linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh. Các hoạt động tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kinh tế, đang hồi phục nhanh. Do vậy, các doanh nghiệp Pháp cần sớm có kế hoạch kết nối, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư.

Trước sự quan tâm của doanh nghiệp Pháp, đại diện của tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC đã chia sẻ về những lĩnh vực cần thu hút đầu tư từ Pháp cùng với định hướng xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới với sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hệ thống logistics… Đây là những nền tảng và cơ sở hạ tầng kinh tế cốt lõi để thúc đẩy tỉnh Bình Dương ngày càng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, tạo bước phát triển vượt bậc cho tỉnh trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, ông Đào Quốc Cương, Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư tại Pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày bài tham luận “Thu hút FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, nhấn mạnh, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách, hành lang pháp lý được xây dựng, sửa đổi và từng bước hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam… Đây là những nội dung cốt lõi, tạo nên mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương mong muốn trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các đơn vị đối tác tại Pháp tiếp tục hỗ trợ kết nối, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư Pháp, tạo ra những bước tiến bứt phá trong quá trình hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau thành phố Hồ Chí Minh) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Pháp có 36 dự án đang hoạt động với số vốn đầu tư đăng ký là 121,9 triệu USD.

Pháp có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… Đây đều là những lĩnh vực rất phù hợp định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số 15 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, không thể không nhắc tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 và dự kiến Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi chính thức được phê duyệt sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định; bảo đảm việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa 2 bên.

Về đầu tư tại Việt Nam, Pháp là đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU với tổng vốn đăng ký là hơn 3,6 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản. Tính đến tháng 3, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 38 triệu USD.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Chính phủ 2 nước đang từng bước mở cửa trở lại sau những làn sóng ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Sự kiện kinh tế có ý nghĩa lần này nhằm mục đích đánh thức tiềm năng, tạo thêm các cơ hội hợp tác, kết nối cho doanh nghiệp 2 nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại. Được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp 2 nước với hơn 150 điểm cầu tại Việt Nam và Pháp.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo