Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà-phê Buôn Ma Thuột, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi phát biểu khai mạc cuộc thi.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà-phê Buôn Ma Thuột, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi phát biểu khai mạc cuộc thi.
Ngày 22/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp Hiệp hội cà-phê Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc Cuộc thi cà-phê đặc sản Việt Nam năm 2022.
Cuộc thi cà-phê đặc sản Việt Nam năm 2022 được phát động vào ngày 22/10/2021. Đến nay, sau 6 tháng khởi động, cuộc thi thu hút 48 đơn vị dự thi với 83 mẫu cà-phê, trong đó có 53 mẫu cà-phê Robusta và 30 mẫu cà-phê Arabica, đến từ 7 tỉnh, thành phố sản xuất cà-phê trong nước.
Tại vòng sơ loại, đánh giá chất lượng thử nếm diễn ra từ ngày 22-27/4. Dự kiến, vòng chung kết và trao giải, bế mạc diễn ra vào ngày 30/4 tới.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột, Phó Trưởng Ban thường trực ban tổ chức cuộc thi cho biết, sau lễ phát động, Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức các khóa đào tạo tập huấn chế biến cà-phê đặc sản nhằm tạo nguồn cho nông dân làm cà-phê đặc sản để khối lượng mẫu dự thi nhiều hơn các năm trước.
Năm nay, cuộc thi quy tụ được 22 giám khảo đến từ 6 quốc gia khác nhau. Quy chế cuộc thi năm 2022 có một số điều chỉnh để thích ứng linh hoạt với thực tế như hoạt động lấy mẫu, niêm phong mẫu và lô hàng, gửi mẫu đều do đơn vị dự thi tự thực hiện; hoạt động thử nếm được tiến hành đồng thời và phát trực tuyến tại 3 phòng thí nghiệm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức cũng thành lập b=Ban kỹ thuật để bảo đảm những yêu cầu của cuộc thi được tuân thủ thống nhất và thành lập Ban giám sát để giám sát một số hoạt động quan trọng của cuộc thi.
Đây là lần thứ tư cuộc thi cà-phê đặc sản diễn ra. Cuộc thi nhằm tôn vinh những người trồng cà-phê, sản phẩm cà-phê đặc sản và đơn vị sản xuất cà-phê đạt tiêu chuẩn đặc sản; giới thiệu sản phẩm cà-phê nhân đặc sản Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà-phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, kích cầu tiêu thụ và gia tăng giá trị cho cà-phê đặc sản của Việt Nam cũng như tạo động lực cho người trồng cà-phê quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng cà-phê.
Theo Nhandan.vn