Nguồn: BCTC đã kiểm toán năm 2021 các doanh nghiệp BOT
Tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của Hạ tầng giao thông Đèo Cả còn 26.287 tỉ đồng, tăng 5% sau 12 tháng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm đến 80% tổng nợ phải trả. Nhìn về quá khứ, chỉ riêng trong năm 2019, doanh nghiệp này vay của một ngân hàng tới 19.033 tỉ đồng, toàn bộ là nợ vay dài hạn.
Trong các doanh nghiệp BOT hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) là doanh nghiệp có quy mô lớn khi các chỉ số về tổng tài sản, vốn điều lệ, doanh thu… đều nằm top đầu của nhóm ngành.
Trong năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động kinh doanh, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vẫn gây ấn tượng với sự tăng trưởng về mặt kinh tế.
Thế nhưng, doanh nghiệp còn những điểm gợn trong các chỉ số kinh doanh khi khoản nợ phải trả, nợ thuế và các khoản phải nộp tăng cao, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn cho thấy sức ép về mặt tài chính là vô cùng lớn.
Doanh thu lợi nhuận đều tăng trưởng
Kết thúc năm 2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) ghi nhận 1.861 tỉ đồng doanh thu, tăng 55% so với 2020.
Cơ cấu doanh thu cho thấy, doanh thu thu phí, vận hành các trạm đạt 1.265 tỉ đồng, chiếm đến 68% tổng doanh thu và tăng 35% so với năm ngoái. Đồng thời, HHV báo lãi sau thuế 291 tỉ đồng, tăng 65%.
Giải trình cho biến động kinh doanh trong kỳ, phía Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cho biết, năm 2021 do tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến một số hoạt động kinh doanh của HHV.
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh hoạt động thi công, xây lắp một số gói thầu lớn tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Trung Lương – Mỹ Thuận. Ngoài ra, các hoạt động quản lý, vận hành các công trình đường bộ và các trạm thu phí tiếp tục được duy trì ổn định giúp kết quả sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp tăng trưởng.
Tại ngày 31.12.2021, tổng tài sản HHV đạt 33.963 tỉ đồng, tăng 500 tỉ đồng sau 12 tháng. Trong đó, khoản mục tiền có gần 350 tỉ đồng; hàng tồn kho giảm 1 nửa về 38 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, HHV có hơn 461 tỉ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam (16 tỉ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo cả Khánh Hòa (310 tỉ đồng); Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang Lạng Sơn Hữu Nghị (136 tỉ đồng).
Những khoản đầu tư này đưa về cho HHV hơn 11 tỉ đồng trong năm 2021, giảm đến 5 lần so với cùng kỳ.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang còn hơn 12 tỉ đồng, giảm 456 lần so với con số 5.475 tỉ đồng hồi đầu năm, nhờ doanh nghiệp hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả.
Đèo Cả vay 20.000 tỉ đồng chỉ trong 1 năm
Ở bên kia bảng cân đối kết toán, HHV còn 26.287 tỉ đồng nợ phải trả, tăng 5% sau 12 tháng. Đáng chú ý, nợ vay tài chính chiếm đến 80% tổng nợ phải trả.
Nợ vay tài chính neo cao, khiến chi phí lãi vay mỗi năm “ngốn” hơn nửa nghìn tỉ đồng. Góp phần “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp cuối kì.
Trong đó, Hạ tầng giao thông Đèo Cả đang vay của một ngân hàng quốc doanh với dư nợ lên tới 19.832 tỉ đồng.
Để bảo đảm cho các khoản vay của mình, HHV đã thế chấp các quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng thi Công xây dựng, lợi tức phát sinh từ phần vốn góp, cổ phần.
Được biết, nợ vay tài chính tại HHV có xu hướng tăng mạnh trong 5 năm qua. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017 của doanh nghiệp, cuối năm 2017, nợ vay tài chính của HHV chỉ 118 tỉ đồng.
Năm 2018, chỉ số này ở mức 109 tỉ đồng. Vay nợ tài chính HHV “nhảy vọt” lên mức 20.034 tỉ đồng 1 năm sau đó, tương ứng mức tăng đến 186 lần. Phần tăng này chủ yếu là nợ vay dài hạn.
Bước sang năm 2019, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vay chỉ riêng của một ngân hàng đến 19.033 tỉ đồng. Tất cả là các khoản vay dài hạn từ 1 đến 5 năm. Chưa kể, còn 128 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn mà HHV vay CTG chi nhánh Đà Nẵng.
Một điểm đáng lưu ý nữa ở báo cáo tài chính HHV là các nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng cao qua từng năm. Từ 8 tỉ đồng năm 2019, lên 16 tỉ đồng năm 2020 và 43 tỉ đồng kết thúc năm 2021.
Theo Laodong.vn