Minh chứng mới cho quyết tâm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

  Lực lượng chức năng khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt

               

Những hành động quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nên nhìn nhận ở góc độ tích cực nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 cá nhân về tội thao túng thị trường chứng khoán thuộc “Nhóm Louis”. Đây tiếp tục là một động thái mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm rất lớn từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, nhằm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin và bảo vệ quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp chân chính trên thị trường.

Vào cuộc, phối hợp ngay khi có dấu hiệu “lạ”

Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội “Thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, 4 cá nhân gồm: Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh – Giám đốc Hành chính Công ty CP Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên – nhân viên dịch vụ tài chính Công ty CP Chứng khoán Trí Việt.

Thông tin về vụ việc với báo giới, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ: “Việc khởi tố, bắt tạm giam đối với các đối tượng có hành vi thao túng chứng khoán không phải lần đầu trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết quả xử lý nhanh chóng như vụ việc liên quan tới “nhóm Louis” là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03)”.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ở bất kỳ một thị trường chứng khoán nào cũng luôn tiềm ẩn các hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, từ lúc phát hiện ra các giao dịch có dấu hiệu bất thường, đến lúc xử lý được một vụ việc thao túng chứng khoán thì các cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra chặt chẽ, đòi hỏi nhiều nghiệp vụ phức tạp và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc đưa ra kết quả rất sớm tại “nhóm Louis” là nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).

“Đáng chú ý, dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng quá trình điều tra đi đến kết quả đều được xử lý chặt chẽ, đúng quy trình, quy định pháp luật. Kết quả điều tra, tiếp tục là một minh chứng thực tiễn cho thấy tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc xử lý nghiêm các sai phạm, để tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, bền vững cho thị trường chứng khoán” – đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.

Thông tin cụ thể hơn về vụ việc, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trên cơ sở kết quả giám sát và các thông tin phản ánh trên báo chí về hiện tượng tăng giá của một số cổ phiếu liên quan nhóm Louis, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các Sở giao dịch chứng khoán giám sát chặt chẽ giao dịch của các mã chứng khoán này; yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán báo cáo phân tích giám sát giao dịch cổ phiếu của nhóm Louis.

“Xác định đây là vụ việc phức tạp, gây tác động đến thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan công an ngay từ đầu để xử lý vụ việc” – đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện kiểm tra đối với giao dịch đối với cổ phiếu TGG, BII. Trên cơ sở kết quả kiểm tra đối với giao dịch cổ phiếu TGG và BII, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định có dấu hiệu thao túng giá đối với cổ phiếu TGG và BII của nhóm tài khoản liên quan đến Đỗ Thành Nhân. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả kiểm tra giao dịch cổ phiếu TGG, BII để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

“Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xử lý các vụ việc liên quan tới nhóm Louis” – đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói thêm.

​Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “Nhóm Louis” như: Phạt Louis Holdings bị phạt hơn 161 triệu đồng do giao dịch vượt quá giá trị đăng ký và đình chỉ giao dịch chứng khoán 2 tháng; phạt hơn 232 triệu đồng đối với TGG do 1 loạt vi phạm về công bố đối với thông tin và quản trị công ty;….

Nhiều nỗ lực chấn chỉnh sai phạm, lành mạnh thị trường

Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2021, thị trường chứng khoán duy trì sự phát triển ổn định trong quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng chốt lời cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một số phiên điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4 tới nay.

Theo các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân khách quan nêu trên, thị trường cũng một phần chịu tác động tâm lý vì thông tin các vụ việc khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân, lãnh đạo sai phạm trên thị trường. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, những tác động tâm lý chỉ là ngắn hạn, nhà đầu tư trên thị trường cần bình tĩnh bởi triển vọng và dự địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực.

Những hành động quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nên nhìn nhận ở góc độ tích cực nhằm lành mạnh hóa thị trường trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, mặc dù chịu tác động không nhỏ vì đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, công tác giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán vẫn được bảo đảm và đẩy mạnh.

Theo đó, về mặt pháp lý, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt hành chính, tăng cường năng lực phát hiện vi phạm thông qua xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, dù chịu nhiều tác động của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn tăng cường các đoàn thanh kiểm tra. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 44 đoàn thanh kiểm tra trong năm 2021 và 4 đoàn trong quý I/2022, trong đó ngoài các đoàn thanh kiểm tra định kỳ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đẩy mạnh các đoàn kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu bất thường về giao dịch, hoạt động, các đoàn kiểm tra chuyên đề về cung cấp dịch vụ của công ty chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt nghiêm các vi phạm hành chính. Trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành tổng cộng 568 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng.

Bao gồm xử phạt 4 cá nhân có hành vi thao túng 3 mã cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,3 tỷ đồng; lần đầu xử phạt 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có hành vi che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (HDI Global SE); xử phạt 2 doanh nghiệp chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời buộc thu hồi trái phiếu, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư (Vset Group và Apec Group); phạt 1 công ty chứng khoán (VIS) vì vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm đến ngày 8/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 8,87 tỷ đồng; trong đó có xử phạt 2 cá nhân có hành vi thao túng với tổng số tiền phạt 1,2 tỷ đồng…

Theo TTXVN, ngày 24/3 vừa qua, các công tố viên Nhật Bản đã truy tố SMBC Nikko Securities và một số nhân viên do cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm Đạo luật về Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính và bắt giữ một trong những Phó Chủ tịch của công ty. Đây là lần đầu tiên một công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản bị cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm nghiêm trọng nhất theo Đạo luật trên.

Theo cáo trạng của cơ quan công tố, các nhân viên giao dịch của SMBC Nikko Securities đã đặt những lệnh mua lớn vào cuối phiên giao dịch nhằm đẩy giá cổ phiếu lên một cách giả tạo – một hành động mà cơ quan quản lý thị trường cáo buộc là hành vi thao túng thị trường. Nếu bị kết án, các nhân sự có liên quan nói trên của SMBC Nikko Securities có thể phải chịu án tù lên tới 10 năm.

Vụ việc này đã làm rung chuyển thị trường tài chính của đất nước mặt trời mọc trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực phấn đấu để biến nước này thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo