Không để tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh chững lại

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Bộ phận “một cửa” Sở Giao thông vận tải Hà Nội. (Ảnh Ngọc Mai)

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, những nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Như thông lệ, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm nay được ban hành ngay từ những ngày đầu tháng 1. Hiện các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình và kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nhận diện thách thức

Một điển hình tốt về thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP là tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa phương duy nhất liên tục vượt qua mốc 75/100 điểm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2010 đến nay.

Bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, bài học thành công nằm ở ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo trong quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ. Cách làm sáng tạo của Quảng Ninh là trao quyền “đo lường” bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua “lá phiếu” điều tra. Từ đó có cơ sở đánh giá, tiếp thu, điều chỉnh nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành sát hơn với nhu cầu thực tiễn.

Dấu ấn cải cách môi trường kinh doanh cũng thể hiện rất rõ trong ngành điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chỉ số tiếp cận điện năng đã thăng hạng từ vị trí 156/189 trong báo cáo Doing Business năm 2013 lên vị trí 27/190 năm 2019, đứng thứ 4 ASEAN và vượt trước hai năm so với mục tiêu Chính phủ đề ra. “Kết quả này có được là nhờ tư duy quyết tâm thay đổi của EVN. Chúng tôi kiên trì tiến hành cải cách, thay đổi quy trình với một câu hỏi: Thủ tục này có cần thiết hay không, nếu không có thì sao, có cách nào để giảm thủ tục, giảm thời gian cho doanh nghiệp được không?”, ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình cải cách môi trường kinh doanh lại đang chững lại. Vị trí của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng năm 2021 so năm 2020 đã tụt hạng: Chỉ số đổi mới sáng tạo giảm từ vị trí 42 xuống vị trí 44; phát triển bền vững giảm từ 73,8 điểm xuống 72,8 điểm và giảm từ thứ hạng 49 xuống thứ hạng 51; quyền tài sản cũng giảm cả điểm số và thứ hạng bậc…

Điều mà những người luôn dành tâm huyết theo đuổi mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh như TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trăn trở là đã có sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nguyên nhân vì hai năm qua, mọi nguồn lực đều tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số địa phương đã áp dụng biện pháp chống dịch cực đoan làm khơi dậy giải pháp kiểm soát doanh nghiệp vốn đã bị bãi bỏ từ lâu.

“Có một số biểu hiện kháng cự, làm chậm lại quá trình cải cách và nỗ lực phục hồi quyền lợi đã mất ở một số bộ, ngành qua việc sửa đổi nghị định hoặc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới, phục hồi lại điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ”, vị chuyên gia cảnh báo.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng nhận định, cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại, không phải vì Chính phủ và các cơ quan thực thi thiếu quyết tâm mà do cải cách không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Cải cách diễn ra nơi nhanh, nơi chậm sẽ như chiếc xe đi trên đường cao tốc nhưng vẫn gặp những đoạn đường hẹp, vướng ổ gà, ổ trâu, không thể đi nhanh được. “Cải cách tới đây sẽ khó khăn hơn vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính chất liên ngành, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của Chính phủ và được thực hiện liên tục, đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Phải có tư duy, cách làm mới, vượt lên sự tuân thủ đơn thuần”, ông Hiếu nói.

Cần tạo ra thành quả mới

Những kết quả vượt bậc của Việt Nam về cải cách môi trường kinh doanh 9 năm qua đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới cũng rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế trên toàn cầu.

Năm 2021, Việt Nam không có thay đổi nào được các tổ chức quốc tế ghi nhận, trong khi lại có những quy định thắt chặt hơn liên quan điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Vấn đề này đang là nguy cơ hiện hữu đối với ngành thủy sản.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam phản ánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự kiến nâng quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý lên mức quá nghiêm ngặt so với điều kiện thực tế của doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ của các nước trong khu vực… Các chỉ tiêu này nếu được áp dụng sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp và rất khó tuân thủ. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn từ ngày 1/4. VASEP kiến nghị Chính phủ có ý kiến với thành phố Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện thu phí này đến hết ngày 31/12/2022, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nối lại sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng chính là điểm mới của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Những kiến nghị về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn luôn là chủ đề nóng trong dòng chảy kinh tế.

Bà Đặng Tuyết Vinh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp thành viên nhận thấy có những điểm nghẽn đáng kể trong việc phát huy cao nhất tiềm năng và tính hấp dẫn trong thương mại và đầu tư của Việt Nam. Đó là những vấn đề về cơ sở hạ tầng, nhân lực và thể chế, thủ tục hành chính. Trong đó, những hạn chế về môi trường kinh doanh và rào cản về thủ tục hành chính được đánh giá là điểm nghẽn và thách thức lớn nhất cần giải quyết.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, yêu cầu cải cách vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau khủng hoảng. Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh lúc này chính là để khẳng định sự chững lại vừa qua chỉ là bất khả kháng, tạm thời và nhanh chóng phục hồi niềm tin cho doanh nghiệp, thị trường. Thời gian đầu triển khai, không dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực mà kế thừa, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực đã có kết quả bước đầu. Quá trình cải cách lúc này cần nhanh chóng tạo thêm thành quả mới, góp phần phục hồi kinh tế nhanh và tăng trưởng bền vững.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo