Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022). Ảnh: VGP/Đức Tuân
Tối 27/3, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự, phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (tháng 4/1992 đến nay), từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã phát huy cao độ nội lực, khát vọng vươn lên, đoàn kết, đồng lòng, chung sức đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, thúc đẩy Ninh Bình phát triển về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay vượt bậc trên quê hương Cố đô Hoa Lư.
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình, nhất là lợi thế vị trí kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh; xác định động lực phát triển của Ninh Bình là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp ô tô và dịch vụ, du lịch chất lượng cao.
Mặt khác, Ninh Bình phải hết sức chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hoá cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người con quê hương Ninh Bình trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Tăng cường và tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng và quy chế làm việc.
Đồng chí bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy, phát huy hào khí Cố đô, chủ động, sáng tạo, với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết tâm mới, xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững, trở thành tỉnh giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà trình bày diễn văn nêu bật chặng đường lịch sử của tỉnh, truyền thống lịch sử vẻ vang, anh hùng cách mạng, những bước trưởng thành và thành tựu phát triển to lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Diễn văn nêu rõ, Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30.000 năm. Những kết quả khảo cổ học mới được phát hiện tại cố đô Hoa Lư và một số địa danh trong tỉnh đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nơi đây đã từng là một trị sở to lớn ngay từ Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất này đã qua nhiều tên gọi, trong đó năm Gia Long thứ 5, đổi thành đạo Thanh Bình. Tới năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, tên gọi Ninh Bình với hàm ý là vùng đất an toàn, vững chãi, bình yên có từ đó.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình bằng một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ hiện chiếm 88,5%. Thu ngân sách đạt gần 22.100 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, là tiền đề để năm 2022 Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.
Du lịch của tỉnh có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Những thành quả của 30 năm qua là kết tinh của lịch sử văn hóa, của sự đồng lòng, phấn đấu của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nêu rõ.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, sau phần lễ, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 tái lập tỉnh.
Theo Chinhphu.vn