Việt Nam được đánh giá là điểm sáng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á dựa trên mức tăng trưởng kinh tế dương đầy ấn tượng trong năm 2020, dù chịu tác động đáng kể của dịch COVID-19. Việt Nam đang trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở Châu Á và đầu tư nước ngoài nhờ điều kiện tốt về chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, hội nhập quốc tế, chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng…
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định FTA. Với việc Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định RCEP vừa được ký kết, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn chiến lược của các Tập đoàn, Công ty và nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Để không bỏ lỡ cơ hội trên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021; các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành cũng đã được ban hành đã góp phần hình thành một khuôn khổ pháp lý mới cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Các thay đổi trong chính sách đều được xây dựng theo hướng theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ngoài ra, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đang được mở rộng với quy mô lớn và phát triển đồng bộ để đáp ứng tốt hơn các điều kiện, nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, kết nối thuận tiện cho quá trình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất đai, năng lượng, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả tích cực tới các doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…
Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan xúc tiến đầu tư (XTĐT) cấp vùng, là cầu nối giữa nhà đầu tư với các cơ quan, tổ chức; giữa nhà đầu tư với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước,… Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để các nhà đầu tư hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.