Khối ngoại ráo riết săn đón
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong 30 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, không ít NHTM niêm yết trên thị trường đang trong tình trạng gần kín hoặc kín room ngoại như: VietinBank, Vietcombank, MB, ACB, ABBank, Eximbank, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, VIB…
Do tỷ lệ room ngoại gần cạn so với quy định nên nhiều NHTM phải khóa room ngoại để chờ cơ hội tốt bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Vì nếu không khóa, các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trên sàn chứng khoán sẽ hết room. Từ tháng 5-2021, VPBank đã khóa room ngoại còn 15%. Ngày 4-3-2022, NHTM này chính thức nới room ngoại từ 15% lên 17,5%. Trong ngày nới room này, khối ngoại mua vào ồ ạt trên sàn khiến cổ phiếu VPBank tăng gần 3% trong phiên.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, VPBank cho biết, việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của NHTM này có thể đạt 125.000 tỷ đồng sau đợt phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài, trở thành nhóm NHTM có vốn điều lệ cao hàng đầu hệ thống.
Tương tự, từ tháng 8-2021, SHB tạm khóa room ngoại ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. SHB cũng vừa điều chỉnh room ngoại từ 10% lên mức tối đa 30%. Lãnh đạo SHB cho biết, một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trên thế giới đang muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của NHTM này.
OCB cũng đang khóa room ngoại ở mức 22% nhằm thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cổ đông chiến lược nước ngoài, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Sacombank cho biết, sẽ bán khoảng 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Một số NHTM còn nguyên room ngoại như Nam A Bank, VietCapitalBank, Kienlongbank, VietA Bank, SCB… cũng khóa room ngoại vì có kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm nay.
Trong khi khối ngoại có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn mua ròng cổ phiếu ngân hàng, cho thấy ngành này rất được khối ngoại quan tâm và săn đón. Nhiều cổ phiếu NHTM chỉ cần “hở” room ngoại là lập tức có nhà đầu tư nước ngoài khác nhảy vào mua lấp kín room ngay. Thống kê cũng cho thấy, ngân hàng hiện là ngành mà khối ngoại đầu tư nhiều tiền nhất để sở hữu cổ phiếu (16,8 triệu tỷ đồng), tiếp đến là ngành thực phẩm đồ uống (10 triệu tỷ đồng), bất động sản (8,9 triệu tỷ đồng)…
Nới room ngoại là nhu cầu bức thiết
Trong bối cảnh các NHTM đang cấp tập tăng vốn nhằm nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và Basel III (các quy chuẩn về an toàn vốn theo thông lệ quốc tế) vì hiện nay hệ số CAR của các NHTM Việt Nam thấp hơn so với các ngân hàng trong khu vực, thì việc nới room ngoại càng trở nên bức thiết. Hầu hết các NHTM đều kỳ vọng được nới room ngoại để dễ dàng xoay xở phương án tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài.
Các NHTM cho biết, nếu được nới room, sẽ thu hút vốn giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị; tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là nguy cơ nợ xấu hiện hữu vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Không chỉ các NHTM tư nhân, NHTM quốc doanh như Vietcombank cũng đề xuất tăng room ngoại lên 35% giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá, room ngoại thấp là nguyên nhân khiến các thương vụ M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các doanh nghiệp trong ngành tài chính – ngân hàng, nhưng quy định room ngoại thấp đã khiến họ thoái lui vì e ngại khó tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp.
“Trong khi mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại đối với lĩnh vực này rất lớn, Chính phủ nên cân nhắc nới room ngoại để các ngân hàng có thể gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại, tăng tiềm lực tài chính, tăng quy mô, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả NHTM. Mặc dù không kỳ vọng nới room cho 4 NHTM nhà nước lớn (Big 4) nhưng có thể nới room tại một số NHTM cổ phần tư nhân. Bởi lẽ, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8-2020, Việt Nam cam kết trong vòng 5 năm từ khi ký kết sẽ cho phép các tổ chức tín dụng châu Âu được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 NHTM cổ phần tại Việt Nam mà không phải chờ quyết định nới room ngoại của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc xem xét, nghiên cứu để đưa ra một mức giới hạn tỷ lệ sở hữu phù hợp là việc cần thiết và phải đưa ra lộ trình theo đúng cam kết của Việt Nam với quốc tế.