Gia Lai tạo nguồn lực mới từ thu hút đầu tư

Nhà máy Ðiện gió Ia Pết-Ðăk Ðoa 1,2 (huyện Ðăk Ðoa) có tổng công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư gần 7.400 tỷ đồng.
5 năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Gia Lai vẫn tạo được chuyển biến trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hằng năm đạt hơn 7,55%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 21.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao. Kết quả đáng ghi nhận nêu trên là nhờ những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Xác định đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư là bước đột phá quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh, Gia Lai đã tổ chức nhiều hình thức kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chi tiết, thiết thực theo từng dự án. Tỉnh cũng chủ động “gõ cửa” mời gọi trực tiếp các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, có thương hiệu trong chuỗi giá trị quốc gia hoặc toàn cầu.

Mở rộng liên kết, liên doanh

Từ hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư lần đầu tổ chức tại Hà Nội (tháng 3/2003), liên tiếp sau đó, nhiều hội nghị xúc tiến được tổ chức thành công như: Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai (năm 2016); Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai và thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5/2018); Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai (do Trường đại học Tôn Ðức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tỉnh Gia Lai tổ chức vào tháng 11/2018)… Ngoài ra, Gia Lai cũng chú trọng xúc tiến đầu tư ở nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp Gia Lai có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Ðến nay, nhiều doanh nghiệp đã đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng; nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất và chế biến nông nghiệp (trà, cà-phê); du lịch, thể thao; năng lượng tái tạo và xuất khẩu lao động thuộc Tập đoàn FLC; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam; Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Ðiện lực Hàn Quốc); Hiệp hội Kinh tế, văn hóa Hàn-Việt  (KOVECA), Trung tâm Hợp tác phát triển quốc tế Daegu Gyeongbuk; Ðại học quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc)…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư 515 dự án, với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần so với vốn. Trong số 515 dự án được đầu tư vào tỉnh, có 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.920 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời, điện gió đã xin nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đăng ký hơn 715.497 tỷ đồng.

Gia Lai tạo nguồn lực mới từ thu hút đầu tư -0
              Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Gia Lai và Tập đoàn FLC. 

Hướng đến sự hài lòng của nhà đầu tư

Quyết liệt cải cách hành chính, công khai minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp góp phần thu hút đầu tư là quyết tâm của các ngành, các cấp của Gia Lai. Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai đã rất quyết liệt và tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Ðến nay, tất cả 53 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện; 201 đơn vị cấp xã đã công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia đã giúp giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đơn giản hóa quy trình và giảm những tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chủ động bố trí nguồn nhân lực, vật lực tại “bộ phận một cửa điện tử”; rà soát, thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra những yếu kém trong cải cách hành chính; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực dễ gây bức xúc trong dư luận như: Ðăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Ðáng chú ý, lần đầu tiên, Sở chủ động làm biên bản ghi nhớ với nhiều sở, ngành cam kết, nếu hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp đầy đủ sẽ yêu cầu giải quyết xong trong thời gian sớm nhất so với luật định. Việc này được UBND tỉnh theo dõi chặt chẽ, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố tình gây ách tắc ảnh hưởng tiến độ chung”.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng hết sức quan tâm, xác định khâu đột phá là công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy quy mô, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp; từ đó, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp trong những vấn đề có liên quan lĩnh vực đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, các thủ tục liên quan doanh nghiệp phải được giải quyết nhanh gọn trong ngày là phương châm của mô hình dịch vụ hành chính công của Gia Lai. Thời gian hoàn thành hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp là hai ngày (hồ sơ thành lập xong đã có con dấu; mã số thuế; số tài khoản ngân hàng…); hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là một ngày.

Ngoài ra, Sở cũng triển khai và vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động; kết nối mạng với các cơ quan hải quan, kho bạc, tài chính… Mô hình này được coi là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ công nhanh, gọn, hiệu quả cho doanh nghiệp, giúp giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh và nhận giấy phép đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai sẽ quyết tâm tận dụng hết tiềm năng, dư địa phát triển để thu hút, cùng sẻ chia và đồng hành với các nhà đầu tư đến với Gia Lai. Những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; trong đó, đặc biệt ưu tiên, ưu đãi đối với  đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; ngành nghề chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các dự án nông nghiệp trọng điểm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch-sinh thái gắn với nền văn hóa nguyên sơ, mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Mới đây nhất, vào tháng 10/2021, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị bàn sâu về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn có liên quan công tác kêu gọi và thu hút đầu tư; triển khai các nội dung, chương trình khôi phục kinh tế-xã hội; yêu cầu các địa phương, đơn vị có liên quan cần làm đúng trách nhiệm của mình nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt, giải quyết nhanh chóng, không để quá hạn, chậm trễ”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo