Tuyên Quang thu hút đầu tư tạo nguồn lực phát triển

Thành phố Tuyên Quang được quy hoạch hiện đại hướng tới đô thị loại I.

Chủ động đối thoại để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và chính sách đầu tư của tỉnh tới các doanh nghiệp là cách mà tỉnh Tuyên Quang mời gọi thu hút đầu tư những năm qua. Điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực khi giai đoạn 2016-2020 đã thu hút được 206 dự án với tổng số vốn hơn 32 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2021-2026, tỉnh phấn đấu thu hút từ 45-50 nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế-xã hội.

Những ngày này, không khí lao động trên công trường thi công đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đang diễn ra rộn ràng, tấp nập với mục tiêu bảo đảm an toàn, hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất các hạng mục công trình. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang Trần Viết Cương cho biết, đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ có chiều dài 40,2 km kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023.

Hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang cũng đang hoàn tất các thủ tục đầu tư để trình Chính phủ chấp thuận triển khai dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang nối với đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ. “Các dự án này hoàn thành sẽ tạo nên một hệ thống giao thông đồng bộ, rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; đồng thời tạo không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”, ông Cương khẳng định.

Những khó khăn về địa lý khiến Tuyên Quang không có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Để giải bài toán này, biến “nguy” thành “cơ”, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt thường xuyên thực hiện tốt việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh đã chủ động gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương với doanh nghiệp; cử nhiều đoàn làm việc của tỉnh tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và kêu gọi đầu tư vào tỉnh đến các đối tác, khách hàng trong nước và nước ngoài…

Nổi bật phải kể đến các hoạt động, đó là tham gia Hội nghị cấp cao Suối khoáng nóng quốc tế tại tỉnh Oita, Nhật Bản; tọa đàm gặp gỡ địa phương Việt Nam và Los Angeles; tọa đàm gặp gỡ địa phương Việt Nam và Houston trong khuôn khổ chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ năm 2018; Diễn đàn Tỉnh trưởng Hành lang kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng năm 2018 tại Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị cấp cao kinh doanh GMS và Hội nghị gặp gỡ châu Âu tại Hà Nội… Mặt khác, tỉnh cũng kết nối, trao đổi thông tin, làm việc với đại sứ quán Việt Nam tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ;…

Việc kết nối, trao đổi thông tin đã mang lại những kết quả thiết thực: thu hút 206 dự án, với tổng số vốn hơn 32.204 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh. Nhiều dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom shophouse Tuyên Quang,…

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số dự án lớn ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang được triển khai, như: Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương của Tập đoàn FLC và Khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm của Tập đoàn Vingroup. Các dự án đi vào hoạt động đóng góp lớn vào ngân sách như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 396 tỷ đồng/năm, Nhà máy gang thép Tuyên Quang gần 94 tỷ đồng/năm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 45 tỷ đồng…, giải quyết việc làm cho khoảng 25-30 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng,…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang xác định: phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, đô thị động lực; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ, tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc. Từ đó, tỉnh đề ra mục tiêu là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để xây dựng, tạo lập địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thu hút khoảng 45 nghìn đến 50 nghìn tỷ đồng đầu tư vào tỉnh.

Tuyên Quang đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 bảo đảm chất lượng và tầm nhìn dài hạn làm căn cứ xây dựng và triển khai vận động, thu hút đầu tư; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư công với đầu tư tư với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và “lấy đầu tư công thu hút đầu tư tư”. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư; chỉ đạo xóa bỏ những vướng mắc, hạn chế trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hỗ trợ nhà đầu tư có được mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đa dạng theo nhóm giải pháp tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh…

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, thu hút đầu tư vào tỉnh thời gian tới tập trung vào ba vấn đề chính, bao gồm: Một là, tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn. Hai là, quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom, xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ba là, ưu tiên thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế ■

Ngày 16/12/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, xác định cụ thể thu hút vào từng lĩnh vực. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút 25 nghìn tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; 9.000 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp; 5.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; 5.300 tỷ đồng đầu tư dịch vụ thương mại, du lịch; 2.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực thể thao; 2.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và 970 tỷ đồng đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường.

Trong năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận và xử lý 110 hồ sơ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách; quyết định điều chỉnh chủ trương 20 dự án, vốn đầu tư hơn 657 tỷ đồng; thu hút 36 dự án đầu tư với số vốn gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo