Sau Tết là thời điểm doanh nghiệp chế biến thủy sản tập trung thu mua và chế biến nguyên liệu nên cần nguồn lao động lớn.
Để duy trì hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất, ngay sau tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đã thực hiện các biện pháp để thu hút và giữ chân lao động.
Chăm lo cho người lao động
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều công nhân Công ty TNHH Thủy sản Nguyên Đại và cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), đã nhộn nhịp trở lại nhà xưởng. “Dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều người gặp khó khăn. Có việc làm tại quê nhà đã là may mắn. Tôi sẽ cố gắng làm việc tại công ty để có thu nhập trang trải cuộc sống”, bà Trần Thị Trúc, ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh cho biết.
Trở lại làm việc sớm, các công nhân tại hai cơ sở sản xuất trên được ban lãnh đạo lì xì đầu năm, nên ai cũng phấn khởi. Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nguyên Đại Lê Thị Thanh cho biết, gần 150 lao động làm việc tại công ty và cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn chủ yếu là người địa phương. Công ty luôn chú trọng việc chăm lo cho người lao động, thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Vì vậy, có thời điểm công ty gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng người lao động vẫn đồng hành và chia sẻ. Hiện tại, công ty có nhiều đơn hàng khô mực phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, nhưng không bị áp lực về việc thiếu lao động.
Vẫn còn doanh nghiệp thiếu lao động
Khác với Công ty TNHH Thủy sản Nguyên Đại và cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn, nhiều DN chế biến thủy sản ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) gặp khó trong tổ chức sản xuất, vì nhiều lao động chưa trở lại làm việc. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong Trần Thị Kim Trúc cho biết, để đảm bảo hoạt động, công ty cần duy trì 100 – 110 lao động, trong đó có khoảng 30 người làm việc thời vụ. Mọi năm, hầu hết công nhân đều trở lại làm việc ngay sau kỳ tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, vì tâm lý e ngại dịch Covid-19 và người lao động có nhiều lựa chọn việc làm tại các KCN, KKT trong tỉnh, nên nhiều người vẫn chưa tới xưởng làm việc. Đến thời điểm này, công ty vẫn còn 30 lao động chưa trở lại làm việc. Vì vậy, công ty phải thông báo tuyển thêm lao động với mức lương bình quân từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng, nếu tăng ca thì thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/người/tháng, kèm nhiều chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài lao động đăng ký và được tuyển.
Công ty TNHH chế biến thủy sản Tấn Thành cũng thông báo tuyển dụng lao động làm việc tại các nhà máy chế biến tôm, cá ở KCN Quảng Phú. Do đặc thù sản xuất hàng tinh chế phải qua nhiều công đoạn, nên nhu cầu lao động của công ty rất lớn. Lao động vào làm việc được công ty cam kết đảm bảo lương ở mức 7 – 8 triệu đồng/người/tháng, nếu tăng ca thì thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều chính sách đãi ngộ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ cơm trưa, cơm chiều (tăng ca).
Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Tấn Thành Nguyễn Tấn Lộc cho biết, cùng với nguồn nguyên liệu dự trữ trong kho, hiện tại sắp bước vào chính vụ thu mua thủy hải sản. Vì thế, công ty cần nguồn lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất tại các dây chuyền, đáp ứng đơn hàng cho các đối tác trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khôi phục hoạt động xuất khẩu với đối tác nước ngoài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay số lao động nộp hồ sơ và được tuyển dụng rất ít.
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất của nhiều DN chế biến thủy sản bị gián đoạn, hàng nghìn lao động mất việc làm. Nhưng khi dịch Covid-19 được kiểm soát, DN tăng tốc phục hồi sản xuất, cộng với sau tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm của các DN chế biến thủy sản vì nguồn nguyên liệu dồi dào, nên nhu cầu lao động khá lớn. Để giữ chân và tuyển dụng lao động, nhiều DN chế biến thủy sản đã tăng lương, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đãi ngộ và phúc lợi xã hội. Đây là cơ hội việc làm đối với công nhân đi làm ăn xa trở về quê do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo Báo Quảng Ngãi