Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn Thủ đô.
Sáng 25/1, Đoàn kiểm tra công tác phục vụ Tết của thành phố Hà Nội đã kiểm tra một số siêu thị và chợ hoa xuân trên địa bàn. Qua đó, ghi nhận nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết dồi dào, giá cả bình ổn, xu hướng mua hàng online tăng cao hơn các năm trước.
Lựa chọn mua các sản phẩm trái cây tươi để cúng Tết Táo Công, chị Lại Anh Thư (ở phố Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết, nguồn hàng tại siêu thị khá phong phú, hoa quả tươi ngon, giá cả phù hợp, không cao hơn so với bên ngoài. Do nguồn cung dồi dào nên người mua không có tâm lý tích trữ hàng hóa. Phần lớn mặt hàng chị mua là hàng Việt Nam do chất lượng tốt.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, dù mới đầu giờ sáng, lượng khách đến siêu thị khá đông, chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, trái cây. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm tiêu dùng online trong dịp Tết này tăng đến 300%. Tại hệ thống siêu thị Big C và GO!, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt hàng qua các ứng dụng, thanh toán đơn giản qua Mobile Banking, ví điện tử hay QR Code, thậm chí, nhiều ưu đãi chỉ áp dụng khi đặt mua hàng trực tuyến đã hấp dẫn người mua.
Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C và GO! khu vực miền bắc Lê Mạnh Phong cho biết, năm nay, khách hàng mua sắm muộn hơn, dự báo cuối tuần này, lượng mua sắm sẽ tăng mạnh hơn. Các nhà cung cấp đang tiếp tục cung ứng hàng thiết yếu cho siêu thị. Khi sức mua tăng mạnh vào những ngày sát Tết, thì Big C vẫn bảo đảm đầy đủ hàng hóa phong phú cung cấp cho người dân. Đặc biệt, giá một số mặt hàng không tăng mà còn giảm do áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Theo Giám đốc Vận hành WinMart miền bắc Khúc Tiến Hà, để phục vụ nhu cầu mua sắm, từ rất sớm, hệ thống siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng. Đến nay, cơ bản, nguồn hàng đã về đến các siêu thị và lượng hàng dự trữ năm nay tăng từ 15% đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn cung của ngành hàng tươi sống tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu của người dân, siêu thị đã bổ sung rất nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền.
“Năm nay, do dịch Covid-19, lượng khách hàng trực tiếp mua sắm tại hệ thống siêu thị không tăng so với năm trước. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu cho các khách hàng ngại đến khu vực đông người, hệ thống siêu thị đang triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Dịch vụ này được khách hàng đón nhận rất tích cực”, ông Khúc Tiến Hà cho biết.
Qua kiểm tra, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, nguồn cung tại các siêu thị dồi dào, hàng hóa bảo đảm chất lượng và đặc biệt, hàng Việt Nam đang chiếm hơn 90% lượng hàng được bày bán, giá ổn định. Sức mua của người dân cũng tương đương so với năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, người dân thay đổi phương thức mua sắm, ít mua trực tiếp tại siêu thị, tập trung mua theo phương thức online, thương mại điện tử.
Ghi nhận sự chuẩn bị đầy đủ, tích cực của các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị trong việc chuẩn bị hàng hóa phong phú đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đã giao cho các hệ thống phân phối chủ động kết nối với các nhà cung cấp từ cách đây khoảng 3 tháng. Nhờ đó, nguồn hàng của các nhà cung cấp ổn định, không có sự tăng giá, mặc dù trong dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao đột biến. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu hệ thống siêu thị bảo đảm công tác mở cửa trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, cũng như bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Báo Nhân dân