Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao các cơ quan trình, cơ quan thẩm định, cơ quan phối hợp đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng các dự án luật và đề nghị xây dựng luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ trưởng, trưởng ngành cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, luật pháp; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú ý lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng chịu tác động.
Ngày 19/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật, như Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị xây dựng một số luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông, xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận rất dân chủ, sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận về từng nội dung của phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao các cơ quan trình, cơ quan thẩm định, cơ quan phối hợp đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng các dự án luật và đề nghị xây dựng luật. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các đối tượng có liên quan, cố gắng chắt lọc các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng để hoàn thiện các hồ sơ, bảo đảm quy trình, chất lượng và tiến độ.
Lưu ý thêm một số vấn đề, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa, dành thêm nhiều thời gian và công sức để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược trong lĩnh vực quản lý. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết các đại hội Đảng toàn quốc gần đây đều xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế cần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống sách nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ.
Thủ tướng lưu ý, với một nước đang phát triển, nguồn lực có hạn, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, song song với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật kỷ cương thì phải mở ra cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho sự phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy. Những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, hoặc chưa có quy định, hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trong bối cảnh thực tiễn diễn biến rất nhanh, khó lường, khó dự báo, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, việc thiết kế các quy định cần bảo đảm vừa chặt chẽ, đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có độ mở nhất định để có thể xử lý được các tình huống phát sinh.
Về phương pháp làm việc, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai các khâu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật một cách kỹ lưỡng, chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, người dân và doanh nghiệp, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các ý kiến phản biện để có luận cứ phong phú hơn, tạo đồng thuận trong xây dựng và thực thi pháp luật. Cùng với đó, chú trọng việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các nước về các vấn đề tương tự để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan trình dự án luật và đề nghị xây dựng luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các cơ quan thẩm định để tạo đồng thuận trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Vừa qua, việc phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã được thực hiên rất tốt, cần phát huy hơn nữa.
Thủ tướng lưu ý, với những vấn đề mới, khó, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, cần làm tốt công tác truyền thông trước, trong và sau khi các chính sách được ban hành.
Theo Chinhphu.vn