Theo đó, không khuyến khích phát triển tại các làng nghề đối với 04 nhóm ngành, nghề sau:
– Ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
– Ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II;
– Ngành, nghề sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu hoặc hóa chất dễ cháy, dễ nổ, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật về hóa chất;
– Ngành, nghề sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Như vậy, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường: không khuyến khích phát triển ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Làng nghề được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận phải có hạ tầng về bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ:
1. Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
3. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm: a) Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; b) Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; đ) Có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.
Theo Tạp chí Công thương