Bộ TT-TT xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam. Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, định hướng năm 2022 của Bộ TT-TT vừa diễn ra. Dù vậy, để triển khai mạng 5G bằng thiết bị hoàn toàn của Việt Nam ở diện rộng trong năm 2022 là chưa đáp ứng được, nên Việt Nam chỉ đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G, gồm: mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập và đã được triển khai cung cấp thử nghiệm dịch vụ. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành bước nghiên cứu và triển khai lắp đặt thử nghiệm trạm 5G theo công nghệ ORAN (với tốc độ download 900Mbps và upload 60Mbps), là bước tiến quan trọng để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam, cũng như thương mại hóa 5G vào năm 2022.
Từ năm 2020-2021, Việt Nam đã cấp phép thử nghiệm thương mại 5G cho 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone. Các nhà mạng đã thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các nhà mạng đều cho rằng, chi phí đầu tư 5G không hề nhỏ, nhưng nhu cầu người dùng còn rất thấp, khiến các nhà mạng do dự. Ngay cả Viettel, nhà mạng từng rất thành công với chiến lược “hạ tầng mạng đi trước”, đầu tư rộng khắp mạng 3G, 4G rồi mới kinh doanh, song cũng đang rất cẩn trọng khi nói đến phủ sóng 5G, hay thương mại 5G chính thức. Hơn nữa, 5G thử nghiệm không có gói cước cụ thể nên cũng khó xác định chính xác nhu cầu thực sự của người muốn dùng 5G.
Giải pháp “dùng chung”
Trong Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) diễn ra mới đây tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam đang thực hiện giải pháp để thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng chung tay đầu tư. Trong giai đoạn đầu phát triển 5G, mỗi nhà mạng phủ sóng 25% diện tích đất nước và thực hiện chuyển vùng với nhau để giảm chi phí đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn VNPT, việc thử nghiệm dùng chung mạng 5G sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị vô tuyến cho nhà mạng. Bên cạnh đó, dùng chung hạ tầng 5G còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành, khai thác, bảo trì thiết bị…
Trong khi đó, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào – Campuchia, cho rằng, với việc triển khai 5G ngày càng nhiều và rộng khắp trên thế giới, giá thành trạm BTS đang khá rẻ, nên đây là thời điểm chín muồi để đầu tư 5G. Mặt khác, khi xây dựng 5G, nhà mạng Việt Nam có thể tận dụng hạ tầng có sẵn của 4G, như các trạm, mặt bằng, thiết bị…
Một ý kiến khác từ MobiFone đề xuất thẳng thắn, cần cơ quan nhà nước điều hành cấp phép phân chia khu vực theo hướng chỉ mở chuyển vùng 5G tại các khu vực có lưu lượng không cao, dân cư thưa thớt để các nhà mạng triển khai hạ tầng 5G, bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư, cũng như đẩy nhanh mở rộng vùng phủ sóng tại Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng ủng hộ phát triển hạ tầng viễn thông theo quy định; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Viễn thông công ích tăng cường đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa.
Trong năm 2020 và 2021, quá trình triển khai thử nghiệm thương mại 5G, các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone cũng triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G. Do đó, nếu các nhà mạng đồng tình với giải pháp dùng chung hạ tầng để thương mại hóa chính thức 5G, thì trong thời gian tới, hàng ngàn trạm BTS được lắp đặt trạm 5G dùng chung cũng có thể là một phương án giúp các nhà mạng tiết kiệm chi phí.