Các nhóm tiêu dùng thực phẩm hữu cơ chính
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, có hai nhóm người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ chính tại các nước Bắc Âu.
Nhóm thứ nhất là nhóm những người mua trung thành. Những người này thường lớn tuổi, đã tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ trong nhiều thập kỷ. Những người tiêu dùng này cực kỳ có giá trị đối với ngành công nghiệp hữu cơ vì sẽ tiếp tục mua các sản phẩm hữu cơ. Nhóm này chủ yếu thích mua các sản phẩm chưa qua chế biến hơn thực phẩm đóng gói, như các loại thịt, các loại hạt… Nhóm này thường quan tâm đến việc mua thực phẩm được sản xuất tại địa phương, thân thiện với môi trường và quan tâm đến phúc lợi động vật. Giá cả không phải là yếu tố quan trọng đối với nhóm này.
Nhóm thứ hai đông và đa dạng hơn là những người tiêu dùng giàu có, giới trẻ và những người tiêu dùng đang tìm kiếm xu hướng mới. Họ mua sản phẩm hữu cơ vì muốn có lối sống lành mạnh hơn, thích hương vị, chất lượng, bao bì hấp dẫn, quan tâm đến phúc lợi động vật. Nhóm này thường mua các sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị hoặc trực tuyến. Đây là nhóm được ngành công nghiệp hữu cơ tập trung vào để tạo ra sự tăng trưởng trong tương lai.
Số lượng người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ (thường sẵn sàng trả nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ) đang tăng lên tại các nước Bắc Âu. Đặc biệt trong mấy năm qua, rất nhiều người chú ý đến tính bền vững, các xu hướng sức khỏe và thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng thích các sản phẩm chế biến lành mạnh và được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường.
Trong số các nước Bắc Âu, người tiêu dùng Đan Mạch là những người tiêu dùng ủng hộ thực phẩm hữu cơ nhất trên thế giới. Thực tế cho thấy, Đan Mạch có thị phần hữu cơ cao nhất thế giới và thị trường hữu cơ phát triển tốt nhất. Mới đây, Đan Mạch đã đưa ra kế hoạch khí hậu với mục tiêu giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030.
Đồng thời, kế hoạch cũng đặt ra việc chuyển đổi sang các bữa ăn hữu cơ, thân thiện với môi trường và lành mạnh hơn trong các bếp ăn công cộng. Hàng nghìn trường học, bệnh viện, trung tâm chăm sóc trẻ em, người già, các bộ, ngành và thậm chí cả doanh trại quân đội trên khắp Đan Mạch đã dần chuyển đổi bữa ăn của họ sang nhiều rau quả, giảm bớt thịt, tiêu thụ sản phẩm theo mùa và tránh lãng phí thực phẩm.
Kế hoạch bao gồm các mục tiêu rất cụ thể, như: 90% thực phẩm hữu cơ trong các bếp ăn công cộng; chính sách mua sắm công đổi mới, bền vững với yêu cầu thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường; hợp tác chuỗi cung ứng để đưa nông dân và các công ty lại với nhau để đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ… Kế hoạch dự định sẽ sử dụng các nhà bếp công và tư nhân như một nền tảng để khuyến khích người Đan Mạch áp dụng chế độ ăn hữu cơ.
Tại Thụy Điển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, tác động môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là một trong những yếu tố quyết định mua sản phẩm của họ. Trong khuôn khổ chiến lược lương thực quốc gia, Chính phủ Thụy Điển đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất nông nghiệp và 60% tiêu dùng thực phẩm công cộng phải là hữu cơ.
Theo Ekoweb Thụy Điển, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thị trường thực phẩm hữu cơ Thụy Điển tiếp tục giảm 0,5 tỷ SEK (49 triệu EUR) trong năm 2021. Tuy nhiên, sau đó sẽ tăng trưởng trở lại và dự kiến sẽ tăng thêm 5 tỷ SEK (0,49 tỷ EUR), đạt khoảng 32,8 tỷ SEK (3,22 tỷ EUR) trong năm 2030.
Tại Na Uy, năm 2006 nước này đã đặt ra mục tiêu đạt 15% ngành công nghiệp phẩm của Na Uy là hữu cơ vào năm 2020. Đến năm 2017, Na Uy muốn giảm kế hoạch mục tiêu hữu cơ vào năm 2020 để ủng hộ thương mại tự do theo nhu cầu. Tuy nhiên, quyết định này đã nhận nhiều chỉ trích của các tổ chức. Hiện tại, nhận thức của người dân về khí hậu và bảo vệ môi trường ngày càng cao.
Các quốc gia láng giềng của Na Uy là Đan Mạch và Thụy Điển, cùng với các quốc gia EU khác đang ngày càng đặt ra các mục tiêu tham vọng về tăng sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, it sử dụng thuốc trừ sâu, ít sử dụng kháng sinh hơn, đa dạng sinh học hơn, tăng cường phúc lợi động vật và sức khỏe đất đai. Từ đó xuất hiện lo ngại nguy cơ Na Uy, vốn đã bị tụt hậu về canh tác hữu cơ so với các quốc gia EU khác, sẽ có nguy cơ bị thực phẩm hữu cơ của các quốc gia khác vượt mặt tại thị trường Na Uy.
Do vậy, trong năm 2021, Hiệp hội hữu cơ Na Uy đã kêu gọi hướng đi mới cho nông nghiệp, cùng với các tổ chức môi trường, liên đoàn, công đoàn đã đệ trình kháng nghị lên quốc hội Na Uy yêu cầu mục tiêu 25% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030. Mặc dù thị phần thực phẩm hữu cơ tại Na Uy hiện tại còn thấp nhưng được cho là đầy hứa hẹn và được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới cùng với nhiều nước châu Âu khác.
Người tiêu dùng Na Uy quan tâm đến việc ăn uống đầy đủ và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe và mang tính công bằng. Các xu hướng thân thiện với môi trường và hữu cơ, được truyền thông trong những năm gần đây, cũng hỗ trợ cho việc chuyển đổi thói quen mua hàng thông thường sang các lựa chọn thay thế xanh hơn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đã thông qua kế hoạch hành động về phát triển sản xuất hữu cơ vào ngày 25/3/2021 giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, nhằm đạt được 25% diện tích đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ vào năm 2030.
Ủy ban châu Âu cũng đã tuyên bố ngày 23/9 hàng năm là “Ngày hữu cơ của Liên minh châu Âu” theo kế hoạch hành động về phát triển sản xuất hữu cơ để góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược từ trang trại đến bàn ăn. Tất cả những điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trong tương lai.
Nhu cầu cao về trái cây nhiệt đới hữu cơ
EU hiện đang là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu thực phẩm hữu cơ trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong năm 2019, EU nhập khẩu khoảng 3,24 triệu tấn thực phẩm hữu cơ, tăng 0,4% so với năm 2018. Trong đó, các nước Bắc Âu, cụ thể là Thụy Điển và Đan Mạch đều nằm trong tốp 10 quốc gia nhập khẩu sản phẩm hữu cơ nhiều nhất tại EU. Năm 2020, Thụy Điển là quốc gia đứng thứ 6 về nhập khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ của EU, tiếp theo đó là Đan Mạch đứng thứ 8 về nhập khẩu sản phẩm nông sản hữu cơ của EU.
Tuy nhiên, trong khi thị trường hữu cơ của EU tăng trưởng tổng thể, nhập khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ giảm nhẹ từ năm 2019 đến năm 2020. Về chủng loại sản phẩm, EU nhập khẩu trái cây nhiệt đới hữu cơ và gạo hữu cơ tăng. Tuy nhiên, phần tăng này này bị lấn át bởi sự sụt giảm nhập khẩu các loại ngũ cốc khác, bánh dầu và đường – theo Báo cáo nhập khẩu nông sản hữu cơ EU năm 2020.
Năm 2020, EU nhập khẩu 2,79 triệu tấn nông sản hữu cơ, giảm 1,9% so với 2,85 triệu tấn nhập khẩu vào năm 2019. Hàng hóa, bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật và hạt có dầu, đường, bột, sữa, bơ, cà phê chưa rang và ca cao chiếm 48% lượng nhập khẩu năm 2020 về khối lượng và chiếm 29% về giá trị. Đối với các sản phẩm khác, bao gồm các sản phẩm thịt, trái cây, rau quả, sữa chua và mật ong, chiếm 42% kim ngạch nhập khẩu về lượng và 53% về giá trị.
Về chủng loại sản phẩm, cho đến nay, nhóm hàng thực phẩm hữu cơ nhập khẩu vào lớn nhất là trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị, chiếm 30% sản lượng, tương đương 0,84 triệu tấn, tiếp theo là bánh dầu (oilcakes) chiếm 8% sản lượng, tương đương 0,23 triệu tấn, củ cải đường và đường mía chiếm 7% sản lượng, tương đương 0,19 triệu tấn và rau chiếm 5% sản lượng, tương đương 0,15 triệu tấn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, do các quốc gia Bắc Âu không tách số liệu xuất nhập khẩu giữa thực phẩm hữu cơ và vô cơ, nên không có số liệu chính xác của xuất nhập khẩu riêng lẻ thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu, các đối tác thương mại chính về nhập khẩu sản phẩm hữu cơ tại châu Âu là Ecuador (12%), Cộng hòa Dominica (9%), Trung Quốc (8%) và Ukraine (8%).
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 11.466 tấn thực phẩm hữu cơ vào EU, giảm 8,7% so với năm 2018 (12.561 tấn), chiếm thị phần 0,4% trong tổng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của châu Âu.
Thụy Điển: Thụy Điển không phân biệt giữa sản phẩm thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ, bởi cùng chung mã HS, chỉ khác nhau về nhãn mác. Do đó không thể phân biệt được giữa nhập khẩu hàng hóa hữu cơ và hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, theo số liệu của FiBL 2021, trong năm 2019, Thụy Điển đã nhập khẩu khoảng 190.023,20 tấn thực phẩm hữu cơ.
Mặc dù không có được bất kỳ dữ liệu định lượng nào về việc nhập thực phẩm hữu cơ đến Thụy Điển, nhưng theo Organic Thụy Điển, sản phẩm hữu cơ điển hình được nhập khẩu bao gồm trái cây và rau quả, cà phê, chè, chuối.
Dựa vào số liệu nhập khẩu trái cây và rau quả, trà, cà phê của Thụy Điển (gồm cả hữu cơ và vô cơ), có thể thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rau quả, cà phê, trà của Thụy Điển khá lớn và ổn định. Năm 2020, nhập khẩu rau củ đạt 759 triệu USD, tăng 0,4% so với 2019; nhập khẩu các loại quả đạt 1,135 tỷ USD, tăng 9,3% so với 2019, nhập khẩu trà và cà phê đạt 550 triệu USD, tăng 6,2% so với 2019.
Đan Mạch: Mặc dù sản lượng sản xuất hữu cơ của Đan Mạch tương đối cao và xuất khẩu nhiều, nhưng do điều kiện thời tiết, Đan Mạch vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản nhiệt đới.
Song song với việc xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch ngày càng tăng, nhập khẩu cũng tăng trưởng khá mạnh. Nhu cầu của người tiêu dùng Đan Mạch đối với một loạt các sản phẩm hữu cơ ngày càng cao đã dẫn đến việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch vượt quá xuất khẩu. Năm 2019, Đan Mạch nhập khẩu thực phẩm hữu cơ về lượng khoảng 120.704,77 tấn, về trị giá khoảng 4,82 tỷ DKK (648 triệu EUR), tăng 8,93% so với 2018.
Các mặt hàng hữu cơ chủ yếu được Đan Mạch nhập khẩu là rau quả và trái cây, do điều kiện khí hậu lạnh giá và khắc nghiệt tại Đan Mạch nên không thích hợp để trồng và phát triển các loại rau và trái cây. Trong đó, Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu hoa quả nhiệt đới như chuối, cam, chanh… Ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc cũng được nhập khẩu khá lớn từ Đan Mạch… do Đan Mạch không thể sản xuất được các mặt hàng này. Thức ăn chăn nuôi cũng được Đan Mạch nhập khẩu, sau đó tái xuất sang một số thị trường lân cận.
Rau quả và ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc là nhóm hàng hữu cơ được Đan Mạch nhập khẩu nhiều nhất. Đối với rau quả, từ 1,52 tỷ DKK (204,3 triệu EUR) năm 2017 tăng lên 2,01 tỷ DKK (270,2 triệu EUR) năm 2019. Tiếp đó là ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc với 560 triệu DKK năm 2019 (75,2 triệu EUR).
Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu từ các nước thuộc EU. Năm 2019, tổng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch từ các nước EU là 4,17 tỷ DKK (560,6 triệu EUR), chiếm 86,64% tổng nhập khẩu trong năm 2019, tiếp đó là các nước ASEAN, 426 triệu DKK (57,2 triệu EUR), chiếm 8,84%, đứng thứ 3 là Hoa Kỳ,173 triệu DKK (23,2 triệu EUR), chiếm 3,6%.
Na Uy: Tương tự như một số quốc gia khác, Na Uy không tách riêng thực phẩm hữu cơ và các thực phẩm khác.
Theo Cơ quan Nông nghiệp Na Uy, việc nhập khẩu thực phẩm hữu cơ được diễn ra ở các nhóm sản phẩm khác nhau trừ pho mát (bởi hầu hết pho mát được sản xuất trong nước). Khoảng 50% pho mát hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài. Trái cây là loại thực phẩm hữu cơ được nhập khẩu nhiều nhất. Theo Cơ quan Nông nghiệp Na Uy, trong năm 2018, 76% trái cây, quả hạch và quả mọng hữu cơ được bán ra tại các cửa hàng bán lẻ là được nhập khẩu.
Do sản xuất sản phẩm hữu cơ ở Na Uy quá nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên Na Uy phải nhập khẩu thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là mặt hàng ngũ cốc, khoai tây, trái cây và quả mọng hữu cơ do rất khó sản xuất trong nước.
Đối với yến mạch, sản lượng sản xuất yến mạch năm 2020 của Na Uy đã tăng lên đạt 2.400 tấn, tăng 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ yến mạch cũng tăng lên đáng kể trong năm 2020.
Đối với ngũ cốc hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước cũng không đủ đáp ứng nhu cầu và phải nhập khẩu một lượng lớn hàng năm, chủ yếu từ Thụy Điển. Ngoài ra, Na Uy cũng phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu một số nguyên liệu thô không sản xuất được như ngô, mật đường và đậu nành.
Đối với khoai tây, rau quả, doanh số bán năm 2020 tăng 10% so với năm 2019. Khoai tây, rau quả hữu cơ chủ yếu được bán thông qua các cửa hàng bán lẻ tạp hóa, ngoài ra còn được bán tại nông trại. Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm khác, việc sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Do đó, Na Uy cũng phải nhập khẩu rau quả hữu cơ. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo Tạp chí Công thương