Hình 1. Khung đánh giá CHIP (nguồn: WB
Đánh giá vị trí của Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số, báo cáo “Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai” của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố gần gây đã sử dụng bộ Khung đánh giá với 4 trụ cột: Kết nối, Làm chủ, Đổi mới sáng tạo và Bảo vệ (CHIP) (hình 1). Sử dụng khung đánh giá CHIP, WB đã so sánh kết quả đạt được của Việt Nam với hai nhóm quốc gia: 1) Nhóm thứ nhất bao gồm 8 quốc gia tương đồng (Cô-lôm-bia, Bờ Biển Ngà, In-đô-nê-xia, Mê-hi-cô, Ma-rốc, Nam Phi, Thái Lan và Tuy-ni-zia); 2) Nhóm thứ hai là 4 quốc gia đi trước, tiến bộ hơn về kinh tế và chuyển đổi số (Hàn Quốc, Ma-lay-xia, Phi-líp-pin và Sing-ga-po).
Theo nghiên cứu của các chuyên gia của WB, Việt Nam đạt kết quả tốt so với các quốc gia tương đồng và thậm chí so với cả các quốc gia đi trước trong một số nội dung, nhưng thể hiện những điểm yếu quan trọng trong những nội dung khác (hình 2). Việt Nam dường như đạt kết quả tốt về kết nối (Trụ cột 1), với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, mặc dù tốc độ kết nối vẫn chưa bằng các quốc gia đi trước. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ số mới của doanh nghiệp và Chính phủ, mặc dù mới chủ yếu cho các chức năng cơ bản (Trụ cột 3). Kết quả của Việt Nam tương đối thấp về làm chủ công nghệ và bảo vệ người dùng với thứ hạng không cao ở Trụ cột 2 và 4.
Hình 2. Thứ hạng của Việt Nam so với 12 quốc gia trong cuộc đua số (nguồn: WB).
Trụ cột 1. Kết nối: trên diện rộng và giá rẻ, nhưng chậm và đi sau về thanh toán điện tử
Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc mở rộng kết nối internet từ mức gần như bằng 0 cuối thập niên 1990 đến bao phủ được 64% dân số như hiện nay. Kết nối băng thông rộng cố định đã được mở rộng chậm hơn và mới diễn ra trong thời gian gần đây, nhưng trong số 12 quốc gia so sánh, hiện chỉ 3 quốc gia có số thuê bao trên đầu dân cao hơn Việt Nam. Kết nối di động đã bùng nổ và hiện nay số lượng thuê bao di động đã nhiều hơn cả dân số Việt Nam. Việt Nam dường như cũng rất cạnh tranh về chi phí, vì truy cập internet có giá rẻ hơn so với hầu hết các quốc gia so sánh.
Theo các chuyên gia của WB, để thành công trong kinh tế số, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và tốc độ của hạ tầng internet. Tốc độ internet hiện còn chậm so với nhiều quốc gia so sánh. Để có năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần đảm bảo toàn dân có thể truy cập ít nhất vào mạng 4G và trong tương lai gần, cần đầu tư lớn để mở rộng mạng di động 5G và mạng cáp quang băng thông rộng, đặc biệt cho các doanh nghiệp, trường học và các tổ chức lớn. Việt Nam cũng cần thiết lập chế độ định danh số rõ ràng, hiện đại và hài hòa, là nền tảng cần thiết của hệ thống số được kết nối tốt. Sau nhiều năm thảo luận và đàm phán, các văn bản pháp lý đã được thông qua vào năm 2016. Trong năm 2021, các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh thực hiện đề án mã số định danh cá nhân duy nhất với mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp vào giữa năm 2021. Hệ thống như vậy sẽ không chỉ giúp cải thiện an ninh quốc gia, mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc xác thực công dân – là yếu tố cần thiết để cải thiện chính phủ số và cung cấp dịch vụ trực tuyến. Hệ thống này cũng tạo điều kiện hỗ trợ để triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội có mục tiêu và thu thuế.
Báo cáo của WB cũng cho rằng, nền kinh tế số cũng đòi hỏi phải có hệ thống thanh toán điện tử bảo mật và hiệu suất cao. Hầu hết các giao dịch thanh toán ở Việt Nam hiện đang thực hiện bằng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện còn chậm. Chỉ có 22% người Việt Nam thực hiện hoặc nhận thanh toán số vào năm 2017 và chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2019. Khả năng tiếp cận và phát triển tài chính toàn diện đặc biệt hạn chế ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự phổ biến của điện thoại di động và internet giá rẻ tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của ngân hàng số nếu Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách trong phát triển tài chính toàn diện.
Trụ cột 2. Làm chủ: kỹ năng số của lực lượng lao động ở Việt Nam còn yếu kém, năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ tuy ở mức hợp lý, nhưng dàn trải trong một khung thể chế quá cồng kềnh
Báo cáo “Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai” nhận định, lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ kinh tế số. So với các quốc gia so sánh, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông và kỹ năng số của bộ phận dân số tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội ở Việt Nam còn thấp. Chỉ có 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để duy trì và khai thác đầy đủ hệ thống công nghệ số của họ, và mức độ thiếu hụt kỹ năng được dự báo sẽ lên đến 1 triệu lao động ngành CNTT&TT vào năm 2023. Tình trạng thiếu hụt nhân tài còn trầm trọng hơn do chảy máu chất xám khi nhiều người lao động có kỹ năng trong nước đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.
Năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ có lẽ được trang bị tốt hơn để làm chủ kinh tế số. Việt Nam đạt điểm trung bình cả về năng lực của Chính phủ trong quản lý nhà nước các nội dung trực tuyến và khả năng thích ứng của khung pháp lý với các mô hình kinh doanh số. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện khung pháp lý vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong điểm số trên. Mặc dù có sợ nỗ lực của Chính phủ (ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng để phát triển chính phủ số trong giai đoạn 2020-2025, Nghị định quy định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Nghị định về chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân…), nhưng vẫn tồn tại 2 bất cập lớn về chính sách và triển khai chính sách: i) thiếu một khung pháp lý hợp nhất về công nghệ số dẫn đến ban hành quy định manh mún; ii) việc triển khai thực hiện chính sách chưa được quyết liệt hơn.
Hơn nữa, khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn quá cồng kềnh. Chính phủ đã tăng cường Ủy ban Quốc gia về Chính phủ số và Kinh tế số cuối năm 2019, trong đó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban. Các Ủy ban tương tự cũng được thành lập ở cấp tỉnh, trong đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban. Tuy nhiên, ở khâu vận hành, các nhiệm vụ lớn trong chương trình chuyển đổi số được dàn trải ở ít nhất 7 bộ/ngành, khiến cho công tác phối hợp và triển khai chính sách và chương trình gặp nhiều thách thức.
Trụ cột 3. Đổi mới sáng tạo: đang trỗi dậy, nhưng chưa tinh sâu
Trước khủng hoảng COVID-19, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ quanh mức trung bình, đi sau nhiều quốc gia so sánh về sử dụng công nghệ số. Việt Nam có thứ hạng hơi thấp hơn mức bình quân về tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đăng ký bằng sáng chế và mức độ tinh thông của khách hàng, trong khi chạy theo sau về số bằng phát minh, sáng chế. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc chơi đối với khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt CNTT&TT để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Những khảo sát qua điện thoại gần đây của WB cho thấy tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh nhằm ứng phó với dịch COVID-19 (từ 48% doanh nghiệp vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021). Trong cùng kỳ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số như lắp đặt thiết bị và phần mềm cho hoạt động doanh nghiệp tăng hơn 4 lần từ 5 lên 21%.
Chính phủ cũng đẩy mạnh nỗ lực tinh giản các thủ tục và cung cấp dịch vụ công cho người dân thông qua các phương tiện số. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 169 dịch vụ vào tháng 3/2020 lên trên 1.900 dịch vụ vào tháng 10/2020. Đồng thời, Chính phủ bắt tay vào cải thiện công tác thu thập và chia sẻ dữ liệu thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) ra mắt vào tháng 8/2020. Giai đoạn đầu bao gồm ba bộ ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về dân cư và về bảo hiểm xã hội. Hệ thống NGSP dự kiến sẽ được mở rộng ra các bộ, ngành, địa phương và bổ sung thêm các cơ sở dữ liệu khác đến năm 2022.
Các chuyên gia của WB đánh giá, mặc dù xu hướng mới về ứng dụng công nghệ số trong ứng phó COVID-19 cần được khuyến khích, nhưng mức độ tinh thông của người dùng còn tương đối hạn chế. Các nền tảng số chủ yếu được sử dụng để tinh gọn những chức năng nghiệp vụ đơn giản như quản trị kinh doanh, bán hàng và phương thức thanh toán. Chỉ những doanh nghiệp lớn với đủ nguồn lực tài chính và con người để thể hiện khả năng sử dụng các công cụ số trong lập kế hoạch sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và hoạt động chế tạo. Khảo sát doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ của WB năm 2020 cho thấy, ứng dụng công nghệ mới vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu ở Việt Nam. Chỉ có 6% các doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng điện toán đám mây cho các nhiệm vụ của doanh nghiệp và chỉ dưới 2% các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn hoặc trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động marketing. Bao quát hơn, chỉ có khoảng 6% các doanh nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng các kỹ thuật sản xuất bồi đắp (AM) hoặc các kỹ thuật tiên tiến khác và chưa đến 2% sử dụng rô-bốt. Mức độ đổi mới sáng tạo công nghệ số còn thấp trong khu vực tư nhân được lý giải bởi nhu cầu hạn chế của doanh nghiệp, hỗ trợ chưa đầy đủ của Chính phủ và, các doanh nghiệp “số” còn chưa phát triển.
Trụ cột 4. Bảo vệ: tương đối an toàn, nhưng ít quyền riêng tư và bảo vệ khỏi tập trung thị trường và kiểm duyệt
Chính phủ Việt Nam đạt kết quả chưa đồng đều trong nỗ lực bảo vệ người dân, với kết quả tương đối tốt về an ninh mạng, nhưng lại chưa bằng các quốc gia so sánh trong các chỉ tiêu về bảo mật dữ liệu cá nhân và kiểm duyệt. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại cho người dân nhiều cách tiếp cận và chia sẻ thông tin trên internet, nhưng cũng tạo điều kiện cho các cuộc tấn công tinh vi hơn vào an ninh và dữ liệu cá nhân. Thách thức của Chính phủ là phải cân đối giữa cho phép tiếp cận thông tin và bảo vệ người dùng các công cụ số.
Theo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam có mức độ bảo vệ khá tốt với thứ hạng 25/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ tư trong số 11 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ bảy trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với rào cản gia nhập cao nhưng chi phí mở rộng nền tảng số thấp, ngành công nghệ số của Việt Nam cũng giống như ở các quốc gia khác có rủi ro bị một số ít thành viên thị trường chi phối. Trong thực tế, Việt Nam đạt kết quả thấp so với các quốc gia so sánh, đứng cuối cùng về mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ mạng. Tình trạng này phản ánh những thông lệ phản cạnh tranh trên thị trường băng thông cố định hơn là trên thị trường băng thông rộng di động – một thị trường được hưởng lợi từ việc nâng cấp chất lượng và hạ giá dịch vụ liên tục. Để khuyến khích nâng cao cạnh tranh trên thị trường băng thông rộng cố định, Việt Nam cần tạo thuận lợi cho chia sẻ hạ tầng trong nội ngành và giữa các ngành.
Theo Tạp chí KHCN Việt Nam