VBF 2024: Đề xuất thúc đẩy chính sách phát triển hạ tầng bền vững và tính ‘room’ tín dụng xanh

VBF 2024: Đề xuất thúc đẩy chính sách phát triển hạ tầng bền vững và tính 'room' tín dụng xanh- Ảnh 1.

Các ý kiến tại VBF 2024 cho rằng cần sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng như ban hành các chính sách mới để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, các ngành công nghiệp chuỗi cung ứng mới nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.

VBF 2024: Đề xuất thúc đẩy chính sách phát triển hạ tầng bền vững và tính 'room' tín dụng xanh- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 19/3, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 (VBF 2024) do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam sẵn sàng cho hành trình ESG, thúc đẩy công nghệ cao và số hóa” (ESG: E- Môi trường, S- Xã hội và G- Quản trị doanh nghiệp). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Diễn đàn này.

Thúc đẩy chính sách mới phát triển hạ tầng bền vững 

Phát biểu tại VBF 2024, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng – PV) cho biết: Cộng đồng nhà đầu tư quốc tế rất hoan nghênh Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII vào ngày 15/5/2023 (PDP8). Nhóm này cũng bày tỏ mong muốn Kế hoạch thực hiện PDP8 sớm được phê duyệt và các chính sách mới để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và các ngành công nghiệp chuỗi cung ứng mới nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.

Đối với việc tiếp cận nguồn tài chính quốc tế, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng nhìn nhận: Mặc dù công suất gió và năng lượng mặt trời đã được phát triển đáng kể ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng công suất này phần lớn được tài trợ kết hợp giữa các ngân hàng trong nước và khu vực hoặc các ngân hàng đánh giá doanh nghiệp thay vì rủi ro dự án. Cơ cấu cũng thường dựa vào một hình thức giảm thiểu rủi ro tín dụng, thường là bảo lãnh, từ các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án. Nhìn chung chưa có cơ chế tài trợ cho dự án không truy đòi, vốn mang lại chi phí vốn thấp hơn và áp dụng kỳ hạn dài hơn so với nguồn vốn trong nước.

“Điều quan trọng đối với Việt Nam là việc phụ thuộc vào hỗ trợ giảm thiểu rủi ro tín dụng từ các ngân hàng trong nước không khả thi để phát triển dự án quy mô lớn. Ngoài ra, thanh khoản hạn chế, lãi suất cao, thiếu nguồn tài chính dài hạn và giới hạn ngành của khu vực ngân hàng trong nước sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nợ nước ngoài để cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng trong thập kỷ tới”, Nhóm cơ sở hạ tầng nhìn nhận.

Do đó, Nhóm này đề nghị Chính phủ làm việc với khu vực tư nhân hàng đầu và các tổ chức tài chính đa phương để huy động nguồn vốn dự án cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030. Các tổ chức tài chính đa phương nên tham gia để đảm bảo có sẵn các bảo lãnh nhằm giảm thiểu rủi ro quốc gia và hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy mô lớn, năng lượng tái tạo và phát triển dự án LNG.

Nhóm cơ sở hạ tầng cũng đề nghị: Sớm triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong kế hoạch này cần đề cập đến mốc thời gian thực tế để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoặc bị trì hoãn cũng như các dự án đang chuyển đổi nguồn nhiên liệu.

Khi Việt Nam chuyển đổi khỏi các công nghệ truyền thống, dự kiến các lĩnh vực mới sẽ có những yêu cầu chính sách cụ thể. Để tối đa hóa việc phân bổ và dòng vốn vào các lĩnh vực này, Nhóm Cơ sở hạ tầng đưa ra khuyến nghị xây dựng các chính sách cụ thể cho từng ngành.

Nhóm này đề nghị: Tăng công suất điện gió ngoài khơi đề xuất vào năm 2030 và khuyến nghị mức giá FIT áp dụng cho công suất này nhằm tạo ra sự chắc chắn về giá và thúc đẩy niềm tin cũng như cam kết của nhà đầu tư để hình thành thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Đồng thời, lập quy hoạch không gian biển quốc gia gắn với phát triển các trung tâm điện lực vùng, các dự án điện khí hóa lỏng và lĩnh vực điện gió ngoài khơi để xác định mức sử dụng và phân bổ tối ưu các vùng biển.

“Phát triển năng lực vận chuyển hàng hóa bổ sung tại các trung tâm vận tải quốc tế (hàng không và đường biển) để mở rộng thương mại và phục hồi kinh tế.Thành lập cơ quan quản lý quốc gia và chương trình đào tạo quốc gia để hỗ trợ phát triển cả hai lĩnh vực điện khí hóa lỏng và điện gió ngoài khơi nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới trong lĩnh vực này, xuất khẩu kỹ năng và năng lượng sạch ra toàn cầu”, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng đề nghị.

Đối với việc phát triển Hợp đồng mua bán điện mới cho lĩnh vực LNG và điện gió ngoài khơi với các điều khoản phân bổ rủi ro, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng dự đoán các dự án điện mới quy mô lớn (LNG, gió ngoài khơi và các nguồn tái tạo khác) sẽ chủ yếu được phát triển trên cơ sở IPP (không phải cơ sở PPP). Do vậy, việc thiếu nguồn tài trợ dự án quốc tế sẽ gây ra rủi ro phát triển và tài trợ đáng kể cho Việt Nam trong thời gian tới.

“Với yêu cầu khoảng 8-9GW công suất phát điện mới hàng năm cho đến năm 2030 và với kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thông qua phát triển phụ tải cơ sở LNG, Việt Nam cần có một khuôn khổ về tính khả thi cấp vốn cho các dự án điện gió và LNG quy mô lớn”, Nhóm hạ tầng đề xuất.

VBF 2024: Đề xuất thúc đẩy chính sách phát triển hạ tầng bền vững và tính 'room' tín dụng xanh- Ảnh 5.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 (VBF 2024) do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề xuất không tính tài chính xanh trong “room” tín dụng

Tổng hợp ý kiến từ các nhóm công tác môi trường – ngân hàng – thị trường vốn xung quanh vấn đề tài chính và ESG, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn VBF nhấn mạnh về chữ E – môi trường.

“Chữ E – môi trường là yếu tố khó tránh khỏi. Nhóm công tác môi trường dù thành lập cách đây 2 – 3 năm, các thành viên đã nêu lên tới 27 vấn đề, tập trung chính ở nhóm nội dung phát triển bền vững, phát triển xanh và biến đổi khí hậu”, ông Dominic Scriven nêu.

Theo đại diện của nhóm công tác, Việt Nam cần xây dựng bằng được hệ thống phân loại quốc gia (taxonomy). Trong đó, cần đưa ra một khung nêu lên các khái niệm, chính sách, quy định, luật cùng các ưu đãi để thực hiện cam kết trung hỏa carbon công bằng và hợp lý cùng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cùng dòng tài chính cho các hoạt động đó. Ngoài các nguồn vốn truyền thống như vốn ODA, đầu tư chức trực tiếp của nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và thị trường vốn…, thị trường đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh.

“Nhóm công tác ngân hàng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các nguồn vốn tài chính xanh, tín dụng xanh được tính ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hàng năm”, ông Dominic Scriven nêu ra một giải pháp để thúc đẩy dòng tài chính cho lĩnh vực này.

Việt Nam cần xây dựng các lựa chọn để tận dụng và điều hướng dòng vốn. Thách thức từ những vấn đề này đang được cảm nhận ngày càng rõ hơn khi nhìn vào thuế và các rào cản khác mà các đối tác của Việt Nam gặp phải. Điển hình nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) sắp tới, dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại Mỹ cũng đang trong quá trình xây dựng hay các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến chủ thể rửa xanh – tổ chức có hành vi làm sai lệch hay bóp méo thông tin để khiến người tiêu dùng tin rằng doanh nghiệp đó có trách nhiệm với môi trường.

Về hoạt động công bố thông tin, đại diện nhóm Công tác Thị trường vốn VBF cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp không chỉ cần theo đuổi chuẩn mực kế toán IFRS như hiện tại, mà còn tiến tới chuẩn mực Quốc tế về tính bền vững (ISSB). Nhóm công tác cũng kiến nghị Việt Nam và các doanh nghiệp sớm nghiên cứu thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), thực hiện quản trị rủi ro về vốn tự nhiên, sự ổn định đa dạng sinh học, nghiên cứu thị trường tín chỉ đa dạng sinh học.

Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo