Vậy thế nào là thị trường lao động? Vì sao thị trường lao động lại đặc biệt và nó vận hành như thế nào? Nhà nước đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động?
Thị trường lao động: Các cấu phần cơ bản
Trong suốt quá trình đổi mới, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Việt Nam ta đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 6 loại thị trường then chốt. Đó là: thị trường hàng hóa-dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, thị trường đất đai, thị trường khoa học-công nghệ và thị trường lao động.
Trong những thị trường này, chỉ có thị trường lao động là đặc biệt nhất, bởi hàng hóa được trao đổi trên thị trường là không thể tách rời với bản thân con người. Nó giúp duy trì hoạt động của con người với tư cách là chủ thể của mọi hoạt động sản xuất kinh tế và hoạt động xã hội.
Ở khía cạnh kinh tế, thị trường lao động không chỉ đơn giản là nơi cung và cầu lao động gặp nhau mà nó còn là kênh huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực lao động – nguồn lực quan trọng của quá trình sản xuất của cải vật chất của một nền kinh tế. Do vậy, thị trường lao động là thị trường cần được quan tâm liên tục, thường xuyên và với cường độ cao hơn nữa so với hiện nay.
Khi nghiên cứu, quan sát sự vận động và xây dựng chính sách cho thị trường lao động, có 6 cấu phần cần phải quan tâm.
Thứ nhất là khung pháp lý và cơ chế chính sách, bao trùm toàn bộ thị trường; là nền tảng và là cơ sở cho mọi hoạt động trên thị trường.
Thứ hai là cầu lao động. Đây là nhu cầu về sức lao động của một quốc gia, một địa phương hay một ngành, một doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định. Nhu cầu này được thể hiện qua khả năng thuê mướn lao động trên thị trường lao động và biểu hiện cụ thể bằng số lượng việc làm hiện tại và tiềm năng. Các yếu tố đặc trưng của cầu lao động thường được xem xét bao gồm như cơ cấu theo ngành nghề, số lượng việc làm, yêu cầu về công nghệ-kỹ thuật, độ tập trung sản xuất về địa lý…
Thứ ba là cung lao động, là tổng sức lao động do người lao động tự nguyện và sẵn sàng đưa vào quá trình sản xuất của xã hội. Cấu thành cơ bản của cung lao động bao gồm cơ cấu lao động (quy mô, độ tuổi, giới tính và các đặc tính nhân khẩu học khác), trình độ tri thức, xu hướng vận động và sự phân bổ về mặt địa lý.
Thứ tư là cơ chế kết nối cung-cầu lao động nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thực hiện giao kết về hợp đồng lao động như thỏa thuận về chế độ đãi ngộ (lương/thưởng), về điều kiện và môi trường làm việc, về tiềm năng phát triển. Cơ chế kết nối cung-cầu bao gồm cả những định chế nhà nước và tư nhân chuyên về hỗ trợ giao dịch việc làm.
Thứ năm là các cơ chế và định chế quản lý, thẩm định và xác nhận cung, cầu, và giao dịch việc làm.
Cuối cùng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường lao động không thể thiếu lưới an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp/việc làm… Đây là cấu phần then chốt trong vai trò giá đỡ cho thị trường và người lao động, bảo đảm sự vận hành bền vững cho thị trường nói riêng và sự ổn định an sinh xã hội nói chung.
Vai trò của Nhà nước
Cơ chế vận động tự cân bằng của thị trường là một trong những quy luật cơ bản để các loại thị trường nói chung và thị trường lao động nói riêng phát triển và đây cũng là một căn cứ quan trọng giúp đánh giá mức độ phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động không vận hành hoàn toàn chỉ dựa trên cơ chế tự cân bằng vì ba lý do khác nhau. Cụ thể là:
Một là, thông tin thị trường đứt gãy khiến cung và cầu lao động không thể gặp nhau. Hay nói cách khác là, trường hợp người lao động và đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tương hợp với nhau, nhưng do thiếu thông tin nên hai bên không biết đến sự tồn tại của nhau để thực hiện giao kết hợp đồng lao động.
Hai là, thông tin thị trường bất đối xứng. Khác với việc đứt gãy thông tin khiến cung-cầu không thể gặp nhau, vấn đề bất đối xứng thông tin liên quan đến tính chính xác và đầy đủ của thông tin mà người lao động và người sử dụng lao động cung cấp khi tham gia giao dịch lao động-việc làm.
Cụ thể như, trường hợp người lao động có thể cố tình cung cấp không chính xác thông tin về kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân nhằm tìm được công việc tốt hơn hoặc người sử dụng lao động giả mạo pháp nhân cho mục đích lừa đảo. Để khắc phục nhược điểm này, các bên tham gia giao dịch thường áp dụng các biện pháp kiểm tra như phỏng vấn, thi tuyển, thử việc để tự thẩm định độ chính xác của thông tin. Và trong nhiều trường hợp, Nhà nước có thể sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm tính xác thực, đầy đủ của thông tin để thị trường có thể vận hành ở mức tối ưu.
Ba là, những rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch lao động-việc làm mà không được bảo đảm bằng thu nhập.
Giao dịch lao động-việc làm thường diễn ra trong khoảng thời gian dài, có thể đến hàng chục năm, nên rủi ro gây ra gián đoạn hoặc đơn phương chấm dứt giao dịch xảy ra khá thường xuyên. Rủi ro này có thể đến từ khả năng duy trì lao động, duy trì việc làm của cả người lao động và người sử dụng lao động như nguy cơ đơn vị sử dụng lao động phá sản, thay đổi hoạt động, hay người lao động bị ốm đau, thay đổi điều kiện sống hoặc nhu cầu làm việc.
Thứ nhất, Nhà nước là chủ thể tạo lập môi trường, quy định khung pháp lý cho sự vận hành của thị trường, bao gồm đối tượng tham gia thị trường, loại việc làm được thuê lao động, tiêu chuẩn về quan hệ lao động, quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thị trường.
Thứ hai, Nhà nước hoạch định và thực thi các chính sách khắc phục các thất bại của thị trường và thực hiện những điều mà thị trường không thể tự thực hiện được nhằm bảo đảm sự công bằng, ổn định và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường.
Thứ ba, Nhà nước xây dựng và thực thi các chính sách mang tính định hướng cho sự phát triển chung của thị trường, hoặc hướng tới các đối tượng lao động-việc làm cụ thể nhằm bảo đảm sự phát triển của thị trường được hài hòa, phù hợp sự vận động và phát triển của các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội khác.
Đánh giá sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam
Cũng tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo rất chi tiết về thị trường lao động, bao gồm trong đó những đánh giá, nhận xét về sự phát triển của thị trường lao động trong thời gian qua.
Về cơ bản, những nhận định trong báo cáo là rất đúng, rất sát. Trên cả 6 phương diện của thị trường, Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể, cơ bản đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng phải lưu tâm rằng, với bối cảnh trong nước và quốc tế liên tục thay đổi, cụ thể như xu thế hội nhập và toàn cầu hóa sẽ cho phép lao động dịch chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia hay như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm mất đi những việc làm có tính chất giản đơn. Thay vào đó, có những công việc đòi hỏi người lao động phải có trình độ, kỹ năng tay nghề và khả năng sử dụng công nghệ thuần thục hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn… Bối cảnh đó tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả người lao động, người sử dụng lao động lẫn các cơ quan quản lý Nhà nước.
Một thí dụ cụ thể là hiện nay các cơ chế chính sách và sự hoạt động của cấu phần quản lý, thẩm định, xác nhận cung, cầu và giao dịch trên thị trường còn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Các chỉ số, quy chuẩn về kỹ năng, tay nghề và tri thức của người lao động, các thông số đo lường tính linh hoạt và khả năng dịch chuyển của người lao động giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cũng như địa bàn lao động như gần chưa tồn tại. Sự quản lý của Nhà nước, sự tích cực của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động đối với tính minh bạch của thị trường, với giao dịch việc làm, với việc hình thành và quản trị cơ sở dữ liệu về lao động còn yếu.
Ngoài những nhiệm vụ Thủ tướng đã quán triệt trong Hội nghị, việc đẩy mạnh cơ chế quản lý, thẩm định, xác định cung, cầu và giao dịch việc làm cũng cần được nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Hệ thống cơ sở dữ liệu: Việc cấp bách hàng đầu
Trong việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập hiện nay, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung-cầu lao động và việc tìm người – người tìm việc, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, cập nhật và minh bạch trên phạm vi toàn quốc có lẽ là việc cần được ưu tiên đặc biệt.
Với hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ và toàn diện, công tác hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý, quản lý và điều tiết thị trường thị trường cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ dễ dàng hơn; các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những dự báo cung-cầu, xu thế và các tham mưu chính sách sát hơn.
Không những thế, hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện của thị trường lao động sẽ giúp chính các chủ thể tham gia thị trường một cách chủ động và linh hoạt hơn. Họ có thể dựa trên những thông tin có sẵn, tự nhận biết được bản thân cần làm gì để phát triển, kéo theo đó là sự phát triển của các yếu tố khác trên thị trường lao động như giáo dục đào tạo, năng suất lao động hay đẩy mạnh tương tác giữa các thị trường trong nước và giữa trong nước với quốc tế.
Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn và là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.
Theo Chinhphu.vn