Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là tạo đột phá về kinh tế với giải pháp là thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa mạnh đến các ngành, lĩnh vực; tỉnh đã và đang nỗ lực vận động, kêu gọi, tập trung xúc tiến, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư tạo ra sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường tại khu vực Cồn Xanh.Sau này Nhà nước tiếp tục đầu tư một số công trình thủy lợi, giao thông tại vùng này đáp ứng yêu cầu khai thác kinh tế biển. Huyện từng bước cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất để nuôi trồng thủy sản thời hạn hợp đồng 2 năm/lần đối với vùng ngoài đê Cồn Xanh, 5 năm/lần đối với vùng ngoài đê Tây Cồn Xanh. Gần đây nhất, UBND các xã liên quan áp dụng phương thức cho thuê đất nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 184/2001/QĐ-UBND ngày 2-10-2021 của UBND huyện, trong đó đã quy định rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và các dự án khác thì người thuê đất phải bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, được Nhà nước đền bù tài sản hiện có trên đất, giá trị đầu tư vào đất theo quy định của pháp luật. Người thuê đất đã tích cực cải tạo ao đầm, đầu tư nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm, cua, cá. Phần lớn các hộ nuôi thủy sản cũng chỉ ký hợp đồng thời hạn hết năm 2021, một số ít thời hạn hết năm 2022, vùng ngoài đê Cồn Xanh thời hạn hết hợp đồng là năm 2023. Theo thông tin từ địa phương cho biết các hộ nuôi thủy sản ở khu vực này chủ yếu là đầu tư với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, chưa tiến hành đầu tư quy mô lớn, đồng bộ theo hướng hiện đại và chưa mang lại đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước do thời hạn thuê ngắn. Kết quả khai thác kinh tế này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực Cồn Xanh cũng như chưa đáp ứng được định hướng phát triển lâu dài của tỉnh là thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư các dự án quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, đóng góp lớn làm tăng nhanh và mạnh nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Ngày 9-10-2021, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư tổ hợp 3 dự án có tổng vốn đăng ký lên tới gần 70 nghìn tỷ đồng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, gồm: Dự án nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng; dự án nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định của Công ty cổ phần Xuân Thiện Nam Định và dự án nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện của Công ty cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng. Ngày 22-3-2022, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (tăng vốn) đồng thời chấp thuận Tập đoàn Xuân Thiện là nhà đầu tư đối với các dự án: Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng tại khu vực bãi triều Cồn Xanh, ngoài đê Tây Cồn Xanh. Đây là khu vực UBND huyện Nghĩa Hưng thời gian qua đã tạm giao cho UBND các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm có trách nhiệm quản lý hành chính Nhà nước toàn diện về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý bãi triều của UBND huyện Nghĩa Hưng.
Thời gian qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các xã nằm trong vùng dự án đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất; tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư tại khu vực Cồn Xanh. Qua đó đã tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của đa số nhân dân trong vùng dự án. Trong đó, đến thời điểm hiện nay, nhiều hộ nuôi thủy sản ngoài bãi đê Tây Cồn Xanh đã nhất trí và ký kết đồng thuận với phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.Đánh giá về việc triển khai thực hiện quy hoạch, thu hút, phê duyệt các dự án đầu tư của Tập đoàn Xuân Thiện, UBND tỉnh, UBND huyện Nghĩa Hưng khẳng định: Tổ hợp dự án trọng điểm, quy mô lớn được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc khu vực đất công nghiệp, không làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hiện hữu, nằm trong quy hoạch xây dựng phía Nam Đô thị Rạng Đông; có khả năng tạo mối quan hệ, liên kết kinh tế, mở rộng thị trường, trao đổi giao lưu hàng hoá với các địa phương khác, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động; tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Nhà đầu tư cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7/châu Âu, thiết bị mới 100%, đảm bảo chất lượng khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trong đó, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất thép xanh, không sử dụng than cốc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất thép giúp giảm trên 80% lượng phát thải CO2, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tổ hợp dự án này có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh do phù hợp với chủ trương, mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó đặt trọng tâm là phát triển công nghiệp để khai thác phát huy lợi thế ven biển tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách, xây dựng vùng kinh tế biển thành cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đưa Nam Định tiến lên mức phát triển khá của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2025 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX. Đồng thời, góp phần thu hút các dự án lớn làm tiền đề để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (có tổng diện tích gần 14 nghìn ha trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020. Việc triển khai dự án đúng tiến độ kế hoạch sẽ đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư, nắm bắt được các cơ hội phát triển của giai đoạn phục hồi kinh tế trong nước cũng như trên toàn cầu.
Để đảm bảo tiến độ dự kiến trong quý III năm 2022 sẽ khởi công xây dựng tổ hợp các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết huyện đang tiếp tục yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn có liên quan nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác thu hồi đất. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trình tự thu hồi, chính sách chung bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tuyên truyền, vận động để toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ đang đầu tư nuôi thủy sản ở khu vực Cồn Xanh và ngoài bãi đê Tây Cồn Xanh hiểu rõ chủ trương, chính sách; đồng thuận và nêu cao ý thức, trách nhiệm vì lợi ích chung, hợp tác với các đơn vị liên quan thực hiện việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi dự án theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Nam Định