Chế biến hạt điều. (Ảnh: TTXVN)
Đối với phương thức thanh toán nhờ thu, ngân hàng không có trách nhiệm trong việc bảo đảm giao dịch được thanh toán hay hàng hóa là phù hợp thỏa thuận giữa người mua-người bán.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ rủi ro trong phương thức thanh toán này mà các nhà xuất nhập khẩu cần phải lưu tâm.
Cụ thể, thông tin từ một ngân hàng cho biết, Quy tắc thống nhất về nhờ thu (Uniform Rules for Collection-viết tắt URC) số 522 của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho thấy trong phương thức thanh toán nhờ thu, ngân hàng chỉ có vai trò là trung gian thu hộ và có trách nhiệm xác định các chứng từ mình nhận được là đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận không chậm chễ.
Ngoài ra, ngân hàng không có trách nhiệm khác, bao gồm: ngân hàng không có trách nhiệm đối với hàng hóa liên quan đến giao dịch; việc lựa chọn dịch vụ của ngân hàng thu hộ (rủi ro thuộc về người xuất khẩu); tính chính xác, chân thực của bộ chứng từ giao hàng cũng như không chịu trách nhiệm về việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển trên đường.
Như vậy, đối với phương thức thanh toán nhờ thu, ngân hàng không có trách nhiệm trong việc bảo đảm giao dịch được thanh toán hay hàng hóa là phù hợp với thỏa thuận giữa người mua-người bán. Trong trường hợp phát sinh rủi ro này, các bên cần khởi kiện lên tòa án hoặc trọng tài kinh tế… tùy vào thỏa thuận trong hợp đồng hoặc quy định của pháp luật.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa chú trọng đến vấn đề trọng tài kinh tế và các quy định trong hợp đồng giao thương quốc tế về việc luật pháp hay tòa án của quốc gia nào có quyền điều chỉnh hợp đồng. Do đó, vụ việc lần này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam khi ký hợp đồng buôn bán với đối tác nước ngoài.
Còn trong vụ việc nghi bị lừa đảo 100 container điều xuất sang Italia lần này, theo ông Hiếu, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng tìm đến các luật sư ở Việt Nam thông hiểu về giao thương quốc tế để làm thủ tục khởi kiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo, có thể khởi kiện tại Việt Nam hay Italia tùy theo quy định trong hợp đồng về việc quốc gia nào có quyền điều chỉnh hợp đồng, hoặc kiện lên trọng tài kinh tế.
Được biết, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều cung cấp cho khách hàng cả hai sản phẩm là nhờ thu nhập khẩu (vai trò Collecting Bank) và nhờ thu xuất khẩu (vai trò Remitting Bank). Đối với nhờ thu xuất khẩu, ngân hàng chuyển chứng từ tiếp nhận từ người xuất khẩu bộ chứng từ theo phương thức nhờ thu trả ngay (D/P), nhờ thu trả chậm (D/A), nhờ thu theo các điều kiện khác (D/OT); xử lý chứng từ và gửi đi đòi tiền theo chỉ thị của người xuất khẩu; thực hiện ghi có vào tài khoản của người xuất khẩu khi được ngân hàng nước ngoài thanh toán.
Với phương thức này, người xuất khẩu sẽ phải chi phí thấp hơn so phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C), còn người nhập khẩu có quyền chủ động trong việc quyết định tại thời điểm đó họ có muốn nhận lô hàng hay không?
Tuy vậy, cả 2 bên đều có nguy cơ đối mặt với rủi ro là người nhập khẩu có thể không nhận hàng và không thanh toán bằng việc từ chối nhận chứng từ. Khi đó người xuất khẩu sẽ phải tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng, kể cả với giá thấp. Hoặc người nhập khẩu đã chấp nhận thanh toán nhưng lại không thanh toán vào ngày đến hạn.
Với người nhập khẩu, rủi ro vẫn có thể xảy ra khi không được kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán. Ngoài ra phương thức thanh toán này cũng không loại trừ được trường hợp các bên tham gia cố tình gian lận, lừa đảo…
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ngân hàng trong vụ việc này chỉ giữ vai trò như người đưa thư. Nên đến cuối cùng, nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam không nhận được tiền từ nhà nhập khẩu Italia thì các ngân hàng Việt cũng không còn trách nhiệm nào khác. Do đó, các nhà xuất khẩu tốt nhất nên yêu cầu ngân hàng nước ngoài cấp thư tín dụng (L/C) rồi chuyển sang ngân hàng Việt xác nhận trước khi có giao dịch xuất nhập hàng hóa.
“Chỉ nên áp dụng phương thức thanh toán nhờ thu trong trường hợp người nhập khẩu và người xuất khẩu là khách hàng tin tưởng, không nên áp dụng trong những giao dịch mua bán lần đầu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trước khi ký kết hợp đồng mua bán, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu qua nhiều kênh thông tin như Hiệp hội ngành hàng, Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại nước nhập khẩu, kinh nghiệm giao thương của các doanh nghiệp xuất khẩu khác…, không nên tin tưởng hoàn toàn vào người môi giới.
Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định và tập quán giao nhận hàng hóa tại nước nhập khẩu để bảo đảm nắm được quyền kiểm soát hàng hóa.
Về vận đơn, cần cân nhắc sử dụng loại vận đơn phù hợp, nên sử dụng vận đơn lập theo lệnh, không nên sử dụng vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống. Bởi trong trường hợp bộ chứng từ bị đánh tráo hoặc thất lạc trên đường gửi đi và vận đơn là đích danh hoặc vận đơn để trống thì ai lấy được vận đơn cũng có thể đi nhận được hàng mà không ràng buộc trách nhiệm thanh toán hay chấp nhận thanh toán.
Theo Nhandan