Sáng chế “Ăng ten hai phân cực dải rộng” đưa ra phương án ăng-ten cấu trúc nhỏ gọn, băng thông rộng đủ xử lý thông tin tốc độ cao và “Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỷ số zoom lớn” mang lại các tính năng quan sát tích hợp với phạm vi hàng chục kilomet, cung cấp hình ảnh có độ tương phản cao trong nhiều điều kiện khắc nghiệt.

Trong năm 2021, USPTO đã cấp cho VHT 5 bằng sáng chế độc quyền. Như vậy, với 8 văn bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ, đến nay theo danh sách của USPTO, VHT là doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất, bao trùm trên cả 3 lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông. Số lượng đơn đăng ký của VHT tại Mỹ hiện nay là 39 sáng chế. Các sáng chế vẫn đang được thẩm định và sẽ còn nhiều giải pháp được cấp bằng độc quyền trong thời gian tới.

Tính từ năm 2017 đến nay, VHT đã có gần 300 đơn đăng ký sáng chế, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp 39 văn bằng sáng chế và 19 giải pháp hữu ích. Theo ghi nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2021, Viettel là tổ chức có số lượng đăng ký sáng chế cao nhất ở Việt Nam. Tiếp theo là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM. Theo báo cáo của Clarivate, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về phân tích chất lượng nghiên cứu khoa học, Viettel và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là hai đơn vị có những đột phá về số lượng bằng sáng chế.

Riêng trong năm 2021, VHT đã nộp đơn 66 sáng chế lên Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó, tính đến đầu tháng 1/2022, số đơn đăng ký sáng chế của VHT đã được chấp nhận là 17 bằng sáng chế, trong đó có 5 bằng sáng chế được chứng nhận độc quyền tại Mỹ.

Ông Nguyễn Vũ Hà-Tổng giám đốc VHT cho biết, các văn bằng sáng chế do Mỹ bảo hộ là vật chứng bảo đảm cho thành công của doanh nghiệp tiến bước vào thị trường quốc tế. Các giải pháp kỹ thuật được đăng ký sáng chế đều là các giải pháp mang tính thực tiễn và ứng dụng cao, giải quyết được những hạn chế về kỹ thuật đã có trong lĩnh vực đăng ký.

Theo Chinhphu.vn