Sáng 23/11, UBND tỉnh có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các chủ đầu tư dự án thủy điện nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư dự án giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Lào Cai, hiện nay lưới điện khu vực tỉnh Lào Cai đang được cấp nguồn từ 2 trạm biến áp 220kV và các đường dây 110kV liên kết với khu vực tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang. Ngoài nhiệm vụ cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt còn có nhiệm vụ truyền tải công suất phát của các nhà máy thủy điện lên hệ thống lưới quốc gia. Tính đến tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 67 nhà máy thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.080,35MW, sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện ước đến hết tháng 11/2021 được 4,124 tỷ kWh; hết năm 2022 tăng thêm 6 dự án thủy điện hoàn thành với tổng công suất 60,5MW; giai đoạn 2023 – 2025 có thêm 56 dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư, đang khảo sát lập hồ sơ đề xuất dự án.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, với hoạt động các nhà máy thủy điện hiện nay tại Lào Cai và việc một số dự án nhà máy thủy điện chuẩn bị đi vào vận hành và được đầu tư trong thời gian tới, hệ thống lưới điện đang không đáp ứng được yêu cầu; thực tế hiện nay một số nhà máy thủy điện đã được đưa vào vận hành nhưng không thể giải tỏa hết công suất, gây lãng phí nguồn điện. Ngoài ra, một số đường dây lưới điện đã xuống cấp, kỹ thuật thi công đấu nối, tiết diện dây dẫn hiện không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu truyền tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Theo ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương, một trong những nguyên nhân khiến công tác truyền tải điện khó khăn là do một số chủ đầu tư dự án thủy điện chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư các công trình lưới điện giải tỏa công suất theo quy hoạch, một số dự án lẽ ra thời điểm này phải đi vào hoạt động nhưng thực tế vẫn chưa triển khai; một số chủ đầu tư trong cùng khu vực nhưng không có sự phối hợp trong đầu tư các công trình lưới điện, chưa thống nhất phương án đấu nối.
Tại buổi làm việc, Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và đại diện các chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn đã trao đổi, đề xuất phương án đầu tư dự án lưới điện, các trạm biến áp, đường dây truyền tải, đấu nối từ nhà máy thủy điện vào một số trạm biến áp; đại diện các chủ đầu tư mong muốn Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phân định rõ trách nhiệm các hạng mục do ngành điện đầu tư và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đầu tư, lộ trình, hướng tuyến, tiến độ thực hiện các dự án; phương án đấu nối vào các dự án lưới điện đã được đầu tư giai đoạn trước.
Thời gian tới, Sở Công thương phối hợp với ngành điện lực tiếp tục rà soát hệ thống truyền tải điện đề xuất xây dựng hướng tuyến, lộ trình đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2045; cập nhật bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc đầu tư phát triển lưới điện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư hạ tầng các công trình lưới điện trên địa bàn.Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thống nhất quan điểm, cách thức tháo gỡ khó khăn, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện. Trong thời gian sớm nhất giải quyết vướng mắc giữa chủ đầu tư thủy điện với ngành điện lực và địa phương, mục đích cuối cùng là đảm bảo hiệu quả trong đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chủ đầu tư các dự án thủy điện cũng cần phối hợp chia sẻ trách nhiệm đầu tư các trạm biến áp, đường dây truyền tải; tuân thủ cam kết về đầu tư dự án lưới điện.
Theo Báo Lào Cai