Toàn cảnh hội thảo – Ảnh: VGP
Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều tiến bộ, tiếp thu được ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý; trong đó thể hiện rõ việc phân cấp, phân quyền trong các hoạt động của ngành dầu khí… Tuy nhiên, dự luật cần bổ sung một số nội dung để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Mới đây, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của một số chuyên gia, nhà quản lý đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Kinh tế Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Dầu khí Việt Nam…
Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi sẽ lần đầu được đưa ra xem xét, thảo luận trước Quốc hội.
Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, cần được nghiên cứu hoàn thiện. Điển hình như một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi, chưa có sự đồng bộ với các luật liên quan, chưa cập nhật tình hình phát triển năng lượng trong bối cảnh hiện nay…
Từ yêu cầu thực tiễn trên, Tiến sĩ Võ Trí Thành đề xuất cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan sẽ giúp “mở cánh cửa mới” cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, cho lĩnh vực năng lượng của đất nước nói chung phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết và đang có hiệu lực.
Dự án Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tới việc cập nhật tình hình thực tiễn vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm phù hợp với bối cảnh chung.
Thảo luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện rõ những vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng châu; xu hướng thị trường có nhiều thay đổi; việc thay đổi ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; những nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy… Bên cạnh đó, các điều khoản về tài chính trong phạm vi dự án Luật cần làm rõ thêm những vấn đề như chính sách ưu tiên, phương án chi ngân sách, huy động vốn đầu tư cho ngành dầu khí, vấn đề cạnh tranh thị trường…
Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Huy Quý cho biết, hiện nay, sản lượng dầu đang suy giảm, tuy nhiên tiềm năng vẫn còn. Do đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho ngành dầu khí tiếp tục phát triển.
Theo Chinhphu.vn