TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, việc sớm sửa đổi Thông tư 01 có ý nghĩa quan trọng tạo hành lang pháp lý để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Trước hết là cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời chưa chuyển nhóm nợ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi hết dịch. Đây cũng là điểm mở lớn nhất tại dự thảo.
NHNN Việt Nam vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo NHNN Việt Nam, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các TCTD, các doanh nghiệp, thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn thời hậu Covid-19.
Theo đó, dự thảo lần này đã mở rộng hơn phạm vi các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể theo dự thảo Thông tư, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của các khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện. Trong đó điều kiện đầu tiên là khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022…
Thông tư 01 sẽ được sửa theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp
Trong khi theo quy định cũ Thông tư 03/2021/TT-NHNN, chỉ những khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.
Đặc biệt dự thảo Thông tư cũng nới thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến ngày 30/6/2022 thay vì mốc 31/12/2021 như quy định tại Thông tư 03.
Tương tự, phạm vi các khoản nợ được miễn giảm lãi suất, phí cũng được dự kiến nới rộng hơn. Cụ thể theo dự thảo Thông tư, TCTD được quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được đề xuất kéo dài đến ngày 30/6/2022 thay vì thời điểm 31/12/2021 như quy định hiện hành.
Phạm vi của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ cũng được mở rộng tương ứng.
Theo đó, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 01/8/2021.
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, việc sớm sửa đổi Thông tư 01 có ý nghĩa quan trọng tạo hành lang pháp lý để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Trước hết là cơ cấu thời hạn trả nợ và tạm thời chưa chuyển nhóm nợ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi hết dịch. Đây cũng là điểm mở lớn nhất tại dự thảo.
“Lần này, NHNN đã đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi khá nhanh và các quy định mới đưa ra cũng tương đối phù hợp. Nhất là điều chỉnh các mốc thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cũng là vấn đề mấu chốt giải tỏa tâm lý lo ngại của cả ngân hàng và khách hàng về việc có tiếp tục được thực hiện cơ chế”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.
Hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng
Đặc biệt dự thảo Thông tư cũng bổ sung thêm một trường hợp số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đó là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày thông tư sửa đổi này có hiệu lực.
NHNN Việt Nam cho biết, việc bổ sung thêm điều khoản, số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành là để phù hợp với nguyên tắc xây dựng của Thông tư 01 và Thông tư 03. Thực tế từ ngày 17/7/2021, một số địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh; làm sụt giảm doanh thu, thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với các số dư nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 17/7/2021 trở đi. Số dư nợ này lại không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 01 và Thông tư 03 dẫn đến số dư nợ này sẽ bị TCTD chuyển thành nợ quá hạn.
Trước đó, VNBA cũng như các ngân hàng kiến nghị cho phép khách hàng trong vùng phong tỏa được hoãn trả nợ. Vì nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương… Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định sẽ ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên CIC và chất lượng nợ của TCTD.
Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh “thở phào” với quy định mới của dự thảo Thông tư. Bởi giai đoạn vừa qua, cán bộ ngân hàng không thể đi ra ngoài đòi nợ được khi mà thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chưa kể không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì không đáp ứng điều kiện phòng dịch nên không có dòng tiền trả nợ ngân hàng.
Ghi nhận những điều chỉnh của cơ quan quản lý hỗ trợ cho ngân hàng và khách hàng, nhưng lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ mong muốn thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo dòng tiền khách hàng và giao quyền chủ động hơn cho ngân hàng trong việc hỗ trợ khách hàng.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, quy định sửa đổi theo hướng nên trao quyền chủ động cho các TCTD để họ tự chịu trách nhiệm, không nên quy định quá chi tiết mà cần định hướng làm sao để các TCTD chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quyết định của họ theo đúng quy định.
Một điểm đáng chú ý nữa là dự thảo Thông tư này không sửa đổi gì về quy định trích lập dự phòng rủi ro. Có nghĩa các TCTD vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng cụ thể bổ sung trong vòng 3 năm như quy định tại Thông tư 03.
Theo NHNN Việt Nam