Sớm tháo gỡ 4 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cùng đoàn công tác khảo sát hạ tầng giao thông đường 827D, thuộc địa phận xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, GRDP của tỉnh Long An đến nay đạt 131.906 tỷ đồng, tăng 124.726 tỷ đồng so năm 2002. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Nghị quyết đã xác định.

Ngày 22/11, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, làm trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW).

Qua 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, GRDP của tỉnh Long An đến nay đạt 131.906 tỷ đồng, tăng 124.726 tỷ đồng so năm 2002. Quy mô nền kinh tế của Long An đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 13% tổng quy mô của vùng. So quy mô của cả nước, Long An chiếm khoảng 2,1% và cao hơn mức bình quân của cả nước là 32.015 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, qua gần hai thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỉnh Long An nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Nghị quyết đã xác định.

Hiện, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tồn tại “4 điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là: hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng; thể chế, cơ chế chưa khơi thông được điểm nghẽn để khai thác, sử dụng quỹ đất lúa so hiện trạng nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao; công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là “vùng trũng” so cả nước và chưa được quan tâm đúng mức về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển; sự liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ và trong nhiều trường hợp còn có sự cạnh tranh, mâu thuẫn với nhau. Việc liên kết vùng giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ vẫn mang tính cục bộ, chưa có kết nối tổng thể để tạo động lực liên kết và phát triển.

Sớm tháo gỡ 4 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long -0
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An. 

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành cần quan tâm đề ra các giải pháp cụ thể, tích cực hỗ trợ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng là cơ sở để tạo bước chuyển mình trong việc phát triển kinh tế công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách mới về nguồn vốn, quy hoạch, phương thức đầu tư đối tác công tư… nhằm ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trong chiến lược phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thống nhất chủ trương bổ sung khu kinh tế ven biển Long An vào quy hoạch phát triển khu kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030. Cần điều chỉnh Luật Đất đai theo hướng kinh tế hóa (hay vốn hóa) đất đai, xem đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng. Công tác giáo dục và đào tạo cần có giải pháp căn cơ, bền vững phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nguồn nhân lực chung cho “cả hệ sinh thái” của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để  đáp ứng yêu cầu phát triển và vận hội mới.

Đối với liên kết vùng, Trung ương cần chủ trì để lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhìn về một hướng với nhận thức chung, mục tiêu chung là phù hợp, cần thiết, từ đó tạo sự chủ động trong hợp tác, chia sẻ và liên kết. Cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu tích cực tham gia vào việc thực hiện các hoạt động liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất… gắn với trách nhiệm của từng địa phương trong vùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá cao tỉnh Long An có tầm nhìn chiến lược và phát triển liên kết vùng. Đề nghị Long An cần bổ sung thêm những đề xuất về an ninh, quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh trong khu vực, đặc biệt khu vực biên giới.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo về mục tiêu phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá thế mạnh để có động lực tăng trưởng. Cần xác định mô hình phát triển mới là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, đa dạng; thay chuỗi số lượng sang chất lượng và cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Kết cấu hạ tầng, nhân lực, cơ chế và chính sách là nút thắt của địa phương, vì vậy, các địa phương cần hợp tác liên kết vùng để gỡ nút thắt đó. TP Hồ Chí Minh cùng với Long An, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ cần liên kết với nhau, đồng bộ xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các ý kiến, kiến nghị của Long An đoàn tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị thông qua để phục vụ tổng kết Nghị quyết số 21/NQ/TW.

Trước đó, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã đi khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Long Hậu, Cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Theo Báo Nhân dân

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo