Ngày 13-12, tại Hà Nội, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức tọa đàm “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam”.
Thông tin từ tọa đàm cho biết, tháng 10-2021, Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi hiệp định này có hiệu lực.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin, xuất khẩu thép sang Mexico trong 3 năm gần đây đã tăng trưởng vượt bậc. 10 tháng năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700.000 tấn, với giá trị gần 800 triệu USD, chiếm 6% về lượng, 8% về giá trị, gấp đôi so với năm 2020. Do đó, việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thuận, Đại học Ngoại thương cho hay, thép thuộc nhóm sản phẩm bị nhiều nước trên thế giới điều tra phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 40% vụ việc. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần xác định, các biện pháp phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế.
Đánh giá mức độ rủi ro, khả năng ứng phó của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, việc Mexico khởi xướng điều tra với sản phẩm thép Việt Nam cũng không quá bất ngờ, vì Hiệp hội Thép Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu thép đã được cảnh báo trước đó hơn 1 năm. Với chức năng của mình, Bộ đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Thép ứng phó tốt nhất với vụ việc, giảm tối đa thiệt hại.
Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang khuyến cáo, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường để xác định việc có thể dẫn đến các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, làm cơ sở để cơ quan chức năng sớm có giải pháp. Các doanh nghiệp cần mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến các cuộc điều tra thương mại.
Theo Báo Nhân dân