Xe ôtô điện với đặc tính thân thiện môi trường, đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ôtô thế giới, và Việt Nam không đứng ngoài trong “cuộc chơi” này.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay tại Việt Nam, ngoài Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) đang tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện chạy pin, chưa có doanh nghiệp nào sản xuất, lắp ráp ôtô điện hóa. Nhìn chung, hiện nay các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam.
Đánh giá về lĩnh vực xe nhiên liệu sạch, cụ thể trong đó có xe điện, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện chỉ có VinFast tiên phong cho dòng xe ôtô điện “Made in Vietnam” và đã chào bán mẫu ôtô điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên VF e34 vào tháng 3/2021. Theo công bố của hãng này, đã có 25.000 đơn đặt hàng cho VF e34 trong một khoảng thời gian rất ngắn và trong tháng 1/2022, VinFast đã bàn giao gần 2.000 xe cho các khách hàng đặt mua mẫu ôtô điện đầu tiên của Việt Nam.
Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi; hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco – Chu Lai; Công ty Honda Việt Nam cũng đang hợp tác với trường Đại học Bách khoa để nghiên cứu việc sử dụng xe Hybrid và thu được kết quả tích cực về tiêu chí tiêu thụ nhiên liệu và mức độ phát thải; Mitsubishi cũng có hai chương trình nghiên cứu chung với Cục Công nghiệp và Sở Công Thương Đà Nẵng về tính phù hợp trong việc sử dụng xe BEV và PHEV tại Việt Nam…
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe Hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
“Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…” – ông Phạm Tuấn Anh đánh giá.
Tập trung vào 3 trụ cột chính Đưa ra giải pháp về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin); trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển ôtô điện hóa tại Việt Nam. Trong đó bao gồm: Định hướng và lộ trình phát triển sản xuất; các giải pháp chính sách; phân công trách nhiệm các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong việc phát triển ngành công nghiệp ôtô điện tại Việt Nam.
Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về đề xuất nghiên cứu chiến lược ngành công nghiệp ôtô theo xu hướng thế giới. Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ôtô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.