Tính đến tháng 8/2021, có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có hơn 11 nghìn hộ ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong những tháng cuối năm 2021 là vấn đề cấp thiết.
Đây là mục tiêu tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi và tạo đà phát triển theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ, nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, xuất nhập khẩu kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Cho phép doanh nghiệp từng bước mở rộng sản xuất theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai hoạt động và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch…
Phấn đấu đến hết năm 2021, đạt một số chỉ tiêu cụ thể: Lũy kế ít nhất khoảng 8 nghìn lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, bảo đảm cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Linh hoạt việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất; hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về. Cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh sàng lọc theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần. Ưu tiên các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu (dệt, may mặc, chế biến nhân điều, tôm xuất khẩu) sử dụng nhiều lao động, được hoạt động 100% lao động.
Các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình thi công dự án điện gió, điện mặt trời,… được hoạt động 100% lao động. Các cơ sở kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ; sửa chữa điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy, in ấn, quảng cáo được hoạt động bình thường trở lại (trừ các khu vực có dịch theo bản đồ dịch tễ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ rất cao).
Cho phép hoạt động các cơ sở lưu trú đăng ký phục vụ cách ly y tế tập trung có thu phí. Các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch và điểm tham quan được mở cửa phục hồi theo điều kiện lộ trình, cấp độ dịch. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện cụ thể, đồng thời đề xuất phương án thu hút khách du lịch có thẻ xanh (đã tiêm vaccine mũi 2, xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong 72 giờ) trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên cho hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, vật tư, thiết bị, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động ở các “vùng xanh”, không bắt buộc xét nghiệm. Những cơ sở có sử dụng lao động ở các “vùng vàng, cam”, phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần. Không bố trí làm việc đối với các lao động ở khu vực có có dịch theo bản đồ dịch tễ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ rất cao. Lao động ở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa (ngoài tỉnh) trở về phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ; thực hiện cách ly tại nơi nghỉ/lưu trú riêng, thực hiện khai báo y tế hằng ngày với chính quyền địa phương nơi lưu trú để giám sát, kiểm soát.
Người lao động di chuyển theo lộ trình duy nhất giữa nhà và nhà máy/nơi làm việc; thực hiện nghiêm giải pháp “một cung đường, hai điểm đến”. Người lao động ký cam kết với chủ doanh nghiệp và UBND cấp xã nơi cư trú về việc chấp hành nghiêm quy định chỉ di chuyển trên một cung đường từ nhà đến nơi làm việc.
Khi người lao động làm việc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở về nơi cư trú phải tự giác tự theo dõi, cập nhật trình trạng sức khỏe trong các ứng dụng khai báo y tế điện tử, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Tính đến tháng 8/2021, Ninh Thuận có 3.739 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp), đồng thời, có hơn 11 nghìn hộ ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều dự án năng lượng tái tạo đang thực hiện giãn cách xã hội phải giảm số lượng nhân công để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nên tiến độ thi công chậm lại.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong những tháng cuối năm 2021 là vấn đề cấp thiết.
Theo Báo Nhân Dân