Nhà đầu tư chứng khoán có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục

Diễn biến giao dịch theo nhóm ngành 5 phiên gần nhất. (Nguồn: CSI)
Diễn biến giao dịch theo nhóm ngành 5 phiên gần nhất. (Nguồn: CSI)

Diễn biến giao dịch theo nhóm ngành 5 phiên gần nhất. (Nguồn: CSI)

Dư địa tăng là vẫn còn nên trong tuần này 8/11-12/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức điểm cao mới, tuy nhiên, những phiên rung lắc có thể xảy ra. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng, VN-Index có thể sẽ cần test lại lực cầu quanh ngưỡng 1.450 điểm.

VN-Index tiếp tục vận động để hướng tới ngưỡng kháng cự 1.480 – 1.500 điểm

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 1/11 đến ngày 5/11, VN-Index tăng 12,24 điểm (+0,85%) lên mốc 1.456,51 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 31.678 tỷ trên HSX, tăng 21.65% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 15,52 điểm (+3,77%) lên mốc 427,64 điểm.

Sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, chỉ có 6/21 nhóm ngành giảm điểm trong tuần qua. Mức tăng ấn tượng nhất là các cổ phiếu chứng khoán (+11,3%) nhờ vào triển vọng khả quan của VN-Index sau khi vượt đỉnh thành công. Các cổ phiếu thủy sản (+4,8%) cũng ghi nhận một tuần giao dịch không kém tích cực nhờ nhu cầu tích trữ các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh tại Trung Quốc. Bộ đôi bất động sản (+1,7%) và xây dựng (+3,4%) đã giảm đi độ nóng so với hai tuần trước. Phiên tăng mạnh vào cuối tuần của nhóm phân bón (+6.6%) sau thông tin Nga siết xuất khẩu phân bón đã giúp nhóm ngành này hồi phục mạnh sau đà giảm trước đó.

Theo ông Lê Văn Thành, Chuyên viên phân tích Bộ phận Phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên bùng nổ thanh khoản lịch sử chủ yếu đến từ việc chốt lời ở nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng đã tăng khá nóng trong thời gian trước đó mà không lan rộng ra toàn bộ thị trường. Nhưng ngay sau đó, lực cầu bắt đáy vẫn liên tục nhập cuộc cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn rất lạc quan về viễn cảnh thị trường trong ngắn hạn. Còn trên biểu đồ tuần, xu hướng tích cực vẫn thể hiện khá rõ khi VN-Index đóng tuần giữ được sắc xanh với thanh khoản tăng mạnh.

“VN-Index sẽ tiếp tục vận động tích cực để hướng tới ngưỡng kháng cự 1.480 – 1.500 điểm với động lực chính là nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán. Ở chiều hướng bi quan hơn, áp lực chốt lời có thể kéo VN-Index về vùng hỗ trợ 1.400– 1.420 điểm, tại mốc này chúng tôi ưu tiên quan điểm căn mua, gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu”, ông Lê Văn Thành nhận định.

Có thể xuất hiện những phiên rung lắc

Còn theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục nằm trong sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm. Do đó, dư địa tăng là vẫn còn nên trong tuần giao dịch này 8/11-12/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức điểm cao mới, tuy nhiên, những phiên rung lắc có thể xảy ra trong quá trình này.

“Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần test lại lực cầu quanh ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, sau khi vượt mốc 1.400 điểm một cách thuyết phục, tâm lý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua được duy trì khá tốt giúp cho chỉ số chung duy trì được đà hưng phấn. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng đã bắt đầu hiện hữu và khiến cho đà tăng của chỉ số bị thu hẹp phần nào. Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới.

“Giai đoạn hiện đang khá “chông chênh”, do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục – đặc biệt là các cổ phiếu có tính đầu cơ theo “tin đồn” mà không đi kèm yếu tố cơ bản. Mặc dù vậy, thị trường vẫn đang diễn biến khá tích cực và nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng nhìn chung nên thiên về chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn theo dòng tiền trong bối cảnh thị trường hiện tại, đồng thời, cũng cần chú ý cả đến khía cạnh quản trị rủi ro chứ không nên chỉ “mua đuổi” theo giá cổ phiếu”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo