Ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong 10 năm qua, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh  Lâm Đồng được triển khai đồng bộ, toàn diện, thích ứng với tình hình và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xúc tiến kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch. 
• MỞ RỘNG QUAN HỆ HỢP TÁC
Thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về việc tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Lâm Đồng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước.
Tỉnh cũng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại, kinh tế, du lịch, thể thao, văn hóa có tầm ảnh hưởng quốc tế, từ đó góp phần gắn kết hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng; đồng thời, quảng bá hình ảnh của tỉnh, như chương trình “Tuần lễ Pháp tại Đà Lạt” nhân dịp 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Pháp, Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt. Sau chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S và ông Guillaume Cros – Phó Chủ tịch Vùng Occitanie (Pháp) đã thống nhất ký kết Ý định thư hợp tác làm tiền đề để thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương trong các lĩnh vực ưu tiên của hai bên như phát triển du lịch, văn hóa vật thể và phi vật thể, nông nghiệp bền vững.
Giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh đã thu hút 51 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4.225,73 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 103 dự án được cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực; vốn đăng ký đầu tư 12.205,38 tỷ đồng, quy mô diện tích 2.314,65 ha. Triển khai thực hiện 35 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng vốn đầu tư khoảng 2.354,8 tỷ đồng. Các chương trình, dự án ODA của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và nông nghiệp.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi góp phần tăng cường cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân. Tính đến tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động với 38 dự án với tổng giá trị giải ngân là 3 triệu USD, chủ yếu về các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội. Công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh có những cải tiến mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
• KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP MỞ RỘNG SẢN XUẤT SẢN PHẨM XUẤT KHẨU
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 41, Lâm Đồng đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thường xuyên cập nhật các chính sách về tín dụng, thông tin thị trường trong nước và nước ngoài về giá cả, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu có ưu thế cạnh tranh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị kỹ thuật theo chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất của doanh nghiệp đối với sản phẩm xuất khẩu; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tỉnh cũng ban hành các kế hoạch năm, kế hoạch giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng. Liên tục trong 5 năm (2016 – 2020), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Lâm Đồng luôn nằm trong top khá và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, với vị trí xếp hạng từ 22 đến 27; trong 10 chỉ số thành phần năm 2020, Lâm Đồng có điểm cao nhất ở chỉ số gia nhập thị trường 8,77 điểm. Tỉnh cũng ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư chung của tỉnh; hàng năm, điều chỉnh danh mục dự án cho phù hợp với tình hình thực tế kêu gọi đầu tư và ban hành danh mục dự án kêu gọi theo từng lĩnh vực, địa bàn.
Thông qua gặp gỡ và trao đổi, hợp tác về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh, tỉnh đã quảng bá hình ảnh Đà Lạt – Lâm Đồng, tiềm năng và những ưu đãi của tỉnh đến các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… nhằm thu hút đầu tư vào Lâm Đồng. Phối hợp với Tham tán thương mại, Tham tán đầu tư của Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ nhằm thu thập thông tin, kết nối đầu tư, thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng với các đối tác.
• XUẤT KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN 40 NƯỚC, VÙNG LÃNH THỔ
Tỉnh cũng đầu tư thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình điểm, trình diễn để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nông dân cải tiến biện pháp canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị kỹ thuật và mở rộng sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.
Mặc dù trong 10 năm qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hơn dự báo, nhưng nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế ngày càng nâng cao theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 6,83%. Năng suất lao động cũng tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 gấp 1,62 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng hơn. Đến nay, hàng hóa Lâm Đồng xuất khẩu đến 40 nước, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Du lịch tiếp tục phát triển theo hướng trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, bình quân giai đoạn 2016 – 2019 tăng 8,9%/năm. Đặc biệt, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, giúp phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả, đóng góp vào thành công của các hoạt động đối ngoại của tỉnh và của đất nước, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương các nước bạn và các tổ chức quốc tế, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển và hải đảo, khuyến khích, động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương.
Có thể thấy, những thành tựu mà công tác ngoại giao kinh tế tỉnh đạt được trong thời gian qua là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, trong đó đặc biệt là sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực chung tay của các sở, ngành, đơn vị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Lâm Đồng

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo