Trong những năm qua,ngành dệt may Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, dệt may Việt Nam đã có những bứt phá ở các thị trường khác. Các doanh nghiệp dệt may đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm.
Tuy vậy, nhìn từ thực tế doanh nghiệp, yêu cầu liên kết, nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ là cần thiết, song vẫn có thách thức đặt ra. Quy mô và năng lực của doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Liên kết đầu cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Bà Hoàng Ngọc Oanh, Chuyên gia tư vấn Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ đề xuất: “Chúng tôi có đề xuất liên quan đến kiến nghị đầu tiên là ở góc độ vĩ mô, bao gồm có đề xuất liên quan đến chuyển đổi phương thức sản xuất, nói rất nhiều năm nay rồi, chuyển từ gia công sang gia tăng giá trị, đây là câu chuyện rất dài hơi và vẫn là việc nhắc đi nhắc lại.
Thứ hai là nâng cấp chuỗi giá trị, ở đây là đề xuất liên quan đến nâng cấp theo hướng phát triển khâu cung ứng nguyên liệu dệt may, đảm bảo được là chúng ta sẽ giảm bớt nhập siêu. Ví dụ, đơn cử như sợi chẳng hạn, chúng ta sản xuất ra có thể phục vụ trong nước thay vì chúng ta xuất đi rồi chúng ta lại nhập khẩu về.
Tiếp đến là công nghiệp dệt may, xây dựng một cụm công nghiệp dệt may để có những điểm tổng hợp và tận dụng những hạ tầng cũng như những đầu tư, tiếp đến là đào tạo thì khuyến khích đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cam kết mở cửa thị trường trong hệ thống pháp luật minh bạch và tương thích với cam kết”.
Theo Tap chí Công thương