Loship đang nhận được rất nhiều sự chú ý khi “chơi chiêu” marketing độc lạ: Đưa các câu bình luận của người dùng lên các tấm quảng cáo ngoài trời.
Chiêu marketing này được đáng giá có nhiều sáng tạo trong bối cảnh doanh nghiệp này đang phải cạnh tranh với nhiều ông lớn “lắm tiền nhiều của” như Beamin hay Grab.
Bước đi độc lạ
Đầu tiên, Loship khởi xướng bằng một bài đăng trên Facebook, khảo sát ý kiến khách hàng về những nội dung sẽ cho lên biển quảng cáo. Phía dưới phần bình luận, rất nhiều người dùng đã để lại các nội dung thú vị. Sau đó, Loship dùng chính các nội dung này in lên tấm bạt che, và lắp đặt miễn phí tại các cửa hàng của đối tác.
Đại diện Loship cho biết, hiện tại khách hàng đã không còn hứng thú với những màn tiếp thị “độc thoại” từ phía nhãn hàng. Thay vào đó, họ muốn bày tỏ ý kiến, tình cảm của mình. Do đó, Loship quyết định thực hiện dự án này nhằm gắn kết khách hàng, đồng thời sẽ khiến cho khách hàng có cảm giác mình cũng là một phần của Loship.
Đa phần các bình luận đều rất thú vị và hóm hỉnh, lại còn được đặt đa dạng ở các tấm bạt che ở những cửa hàng trên nhiều tuyến đường. Do đó, chiến dịch của Loship có mức phủ sóng rất ổn định và nhận được nhiều chú ý.
Tận dụng nội dung người dùng
Tuy có vẻ khá mới lạ, nhưng cách làm của Loship là một chiến lược marketing khá kinh điển, được gọi là User Generated Content (UGC) marketing, tức là tiếp thị từ chính nội dung cho người dùng tạo ra. Mục đích là để tạo độ nhận biết, tương tác, chuyển đổi, hoặc để tăng sự uy tín cho thương hiệu.
UGC có rất nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất phải kể đến chia sẻ hình ảnh, các bài đăng trên mạng xã hội với hashtag thương hiệu; Chia sẻ các bài nhận xét, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ trên website hoặc các trang mạng xã hội; Chia sẻ các nội dung video trực tuyến về sản phẩm, dịch vụ; Để lại bình luận trong các bài đăng.
Từ những nội dung này, người làm marketing sẽ khéo léo tùy biến, sử dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức để có thể phù hợp với mục đích của chiến dịch.
Lợi và hại
Những chiến dịch UGC này có sức hút rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng như tất cả các chiến lược khác, UGC marketing cũng có những ưu và nhược điểm riêng.
Về ưu điểm, UGC marketing giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên từ khách hàng để tạo ra các nội dung có sức lan tỏa cao. Đồng thời, nó cũng giúp khách hàng cảm thấy bản thân họ là một phần của doanh nghiệp, từ đó sẽ gắn bó hơn với dịch vụ/sản phẩm.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy 93% người làm marketing tin rằng nội dung người dùng tạo được sự uy tín và tin tưởng hơn những loại nội dung khác. Vì theo tâm lý, con người sẽ tin những người tiêu dùng giống họ hơn, thay vì tin doanh nghiệp.
Về nhược điểm, do nội dung được người dùng tạo ra, nên doanh nghiệp rất khó quản lý tất cả nội dung. Trường hợp xấu có thể xảy ra là mọi nội dung người dùng tạo ra đều rất “tệ”, không thể sử dụng được cái nào. Bên cạnh đó, nếu có người khác cố ý chơi xấu, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của người khác.
Có thể nói UGC là một công cụ marketing rất hiệu quả. Tuy nhiên để đạt được thành công, các nhà tiếp thị vẫn phải rất sáng tạo và kiểm soát được rủi ro. Loship đang cho thấy họ đang vận dụng chiến lược này một cách hiệu quả như thế nào?
Do đây là một cách marketing kinh điển, nên trên thế giới cũng có rất nhiều ví dụ về UGC marketing cực kỳ thành công, như: Chiến dịch #ShotOnIphone của Apple (tạm dịch: chụp bằng iPhone) là một trong những chiến dịch UGC marketing thành công nhất và trở thành chiến lược chủ đạo của Apple. Chiến dịch này bắt đầu khi Apple phát hiện khách hàng mình không hài lòng với camera iPhone, đặc biệt khi chụp hình trong bóng tối. Về phần kỹ thuật, họ đã giải quyết. Tuy nhiên họ cần quảng bá rộng rãi để người dùng biết, để họ không rời bỏ sản phẩm Apple. Và đấy là lí do chiến dịch tiếp thị #ShotOnIphone ra đời. Theo đó, rất nhiều người dùng bình thường lẫn cả chuyên nghiệp đua nhau chụp hình trong điều kiện thiếu sáng bằng iPhone và gửi về Apple. Những bức ảnh này sau đó được Apple in lên trên các tấm biển quảng cáo ngoài trời trên toàn thế giới để mọi người đều được chiêm ngưỡng. Như vậy, Apple đã giải quyết được vấn đề camera.
Hay như chiến dịch #RedCupContest của Starbuck. Trong chiến dịch này, các khách hàng được khuyến khích chia sẻ những tấm ảnh chụp hình chiếc cốc đỏ của Starbuck, đăng kèm với hashtag #RedCupContest. Giải thưởng cũng rất hấp dẫn với 5 thẻ quà tặng 500 USD cho 5 tấm ảnh xuất sắc nhất. Kết thúc cuộc thi, có hàng nghìn tấm hình được gửi về Ban tổ chức của Starbuck. Điều này đã giúp doanh thu của Starbuck tăng lên rất nhiều, vì đầu tiên mọi người phải mua đồ uống thì mới có cốc để chụp ảnh.
Theo Diendandoanhnghiep.vn